Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường học phòng dịch bệnh mùa đông


Ngày 13-11, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời.


Học sinh tiểu học Hà Nội rửa tay trước khi ăn


Những khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm hoặc sáng sớm phải mặc đủ ấm. Lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Đặc biệt, mọi người cần tiêm vắc xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin phòng); đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa; vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.


Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ở nước ta khi thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người; đặc biệt là vào khoảng thời gian chuyển từ mùa thu sang mùa đông (nhiệt độ môi trường giảm nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió)... khiến cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm. Với thời tiết này, những người sức khỏe yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, bị ốm.


Người dân tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu...; hạn chế đến những chỗ đông người; đồng thời ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian chuyển mùa cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu... Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.


Trường học Hà Nội chủ động phòng tránh dịch bệnh

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông, trường mầm non Yên Bình, huyện Thạch Thất đã yêu cầu các lớp phải thường xuyên duy trì vệ sinh lớp học hàng ngày sạch sẽ. Đối với các đồ dùng, đồ chơi của các cháu vệ sinh định kỳ bằng chất khử trùng Chloramine. Riêng đối với khu vực vệ sinh, nhà trường cung cấp đầy đủ nước sạch, xà phòng rửa tay nhằm hạn chế không để các cháu bị lây chéo.


"Nhà trường có y tế học đường kết hợp với y tế xã để tuyên truyền. Nhà trường tuyên truyền qua các kế hoạch tháng của giáo viên, tuyên truyền với giáo viên qua mảng tường thông báo ở ngoài hành lang và tuyên truyền trực tiếp với phụ huynh khi đưa đón trẻ", bà Đinh Thị Phương - Phó Hiệu trưởng trường mầm non Yên Bình cho biết.


Nhiều nhà trường không quá cứng nhắc trong việc quy định đồng phục của học sinh. Để phòng các bệnh về mùa đông, đồng phục của học sinh không yêu cầu các em phải mặc theo đúng quy định mà chủ động theo thời tiết để các em mặc cho đảm bảo đủ ấm, theo ông Nguyễn Viết Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.


Tại trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch và triển khai việc thường xuyên thông báo cho học sinh và phụ huynh về tình hình dịch bệnh... Hiện nay, nhà trường đang tuyên truyền và thăm dò ý kiến để chuẩn bị cho việc tiêm chủng sởi, rubella. "Nhà trường đang sử dụng sổ liên lạc điện tử nếu có những kế hoạch mới, hoặc thông tin sẽ nhắn tin để thông báo với toàn thể phụ huynh", bà Nguyễn Thị Thu Minh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ nói.


Theo Đại Đoàn Kết