Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Truyền thông cho trẻ em” - làm thế nào để thoát lối mòn?


Hiện nay, hầu hết các câu chuyện trên truyền thông dành cho trẻ em đều có xuất xứ từ một số rất ít các nền văn hóa (60% các chương trình thiếu nhi được sản xuất ở Bắc Mỹ), do những người thuộc "tầng lớp trên" viết và được chuyển thể để đáp ứng nhu cầu của thị trường.


Có những đề tài đã được kể đi kể lại nhiều lần, ví dụ như công chúa ở trong lâu đài hay các ngôi sao nhạc pop xuất thân từ những gia đình thượng lưu. Những chương trình này có một giá trị hữu dụng quan trọng đối với trẻ em khắp nơi trên thế giới, nhưng chúng cũng đồng thời hạn chế tầm nhìn của trẻ. Các nhà làm truyền hình được khuyến khích khám phá ra những câu chuyện có giá trị, thể hiện bản sắc trong nền văn hóa của họ bỏ qua những định kiến và khuôn mẫu, và biến những câu chuyện này trở thành các chương trình truyền hình thiếu nhi hấp dẫn. Trọng tâm là những câu chuyện ấn tượng nâng cao khả năng đề kháng cho trẻ em.


Xuất phát từ thực tế đó, Viện Goethe đã thực hiện dự án "Những câu chuyện ấn tượng dành cho trẻ em mạnh mẽ" lựa chọn một số câu chuyện từ cuộc sống hàng ngày của trẻ em, những câu chuyện chưa từng bao giờ được kể. Vào sáng 14.11, tại Viện Goethe HN (58 Nguyễn Thái Học), TS. Maya Götz sẽ có buổi workshop với các nội dung: Tìm hiểu tầm quan trọng của một nhân vật truyền hình tạo nên đặc tính chung của trẻ em; Tìm ra một câu chuyện ấn tượng trong tiểu sử của riêng mỗi người; Khả năng chịu đựng của trẻ em và điều gì khiến cho một câu chuyện bình thường trở thành một câu chuyện có khả năng khiến cho trẻ em trở nên mạnh mẽ; tìm ra yếu tố khu vực trong câu chuyện; Cách làm cho một câu chuyện riêng thành một câu chuyện ấn tượng về trẻ em ngày nay; thông tin về những kết quả nghiên cứu mới nhất về thói quen xem truyền hình của trẻ em và trải nghiệm về những điều giúp ích cho trẻ em trong cuộc sống; những gợi ý về cách đưa những kiến thức này vào các chương trình truyền hình...


TS. Maya Götz là biên tập viên khoa học tại Viện Trung tâm quốc tế về truyền hình Thanh thiếu niên và Giáo dục (IZI) của Truyền hình Ba-va-ri-a, Munich từ năm 1999. Từ năm 2003 cô đảm nhiệm vị trí Giám đốc Viện. Ngoài ra, từ năm 2006, cô còn lãnh đạo PRIX JEUNESSE INTERNATIONAL, là Liên hoan và mạng lưới danh tiếng nhất thế giới về truyền hình thiếu nhi. Lĩnh vực chính trong công việc của cô là nghiên cứu "Trẻ em/Thanh thiếu niên và truyền hình".


Theo LĐ