Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Miếng thịt xông khói và cách dạy con của mẹ Pháp


"Ồ, đĩa thịt chỉ có 5 miếng cho 5 người mà tại sao con ăn hết ba, bốn miếng?" Chồng tôi nói với con chủ nhà người Pháp khi chúng tôi đến nhà họ chơi và ăn tối.

Tôi đến nhà một anh bạn người Pháp khá thân chơi và ăn tối ở đó. Gia đình người bạn có một đứa con chừng 9 tuổi. Mọi người vừa ngồi vào bàn thì đứa nhỏ liên tục ăn mấy lát thịt xông khói trong lúc chúng tôi trò chuyện. Tới khi chồng tôi nhìn xuống đĩa thịt gồm thịt xông khói, dăm bông và sausisson thì đĩa thịt chỉ còn lại đúng một miếng.

Nhìn quanh thấy chưa ai ăn miếng thức ăn nào cả, chồng tôi hỏi đứa nhỏ:

- Nãy giờ con ăn mấy miếng thịt xông khói rồi?

- Ba hay bốn gì đó?

- Ồ, cả dĩa thịt chỉ có 5 miếng cho 5 người mà con ăn hết những ba hay bốn miếng à?

(Ảnh minh họa).

Anh làm tôi khá bất ngờ. Ở Việt Nam, khi trẻ con ăn khỏe và khi làm khách nhà người khác thì không ai hỏi như thế với con chủ nhà cả, dù có thân đến bao nhiêu. Hoặc giả như có thì người ta sẽ trêu đùa và chọc quê đứa nhỏ chứ không bao giờ hỏi nghiêm túc đến như vậy. Đứa nhỏ nhún vai, nói với giọng không quan tâm mấy:

- Tại vì con thích ăn thịt xông khói.

- Con thèm thì người khác cũng thèm chứ. Con đã hỏi ai trong số 4 người còn lại đồng ý nhường miếng thịt cho con chưa?

Ba mẹ của đứa nhỏ đều gật đầu đồng ý với anh. Họ quay sang hỏi tôi:

- Ở Việt Nam, người ta dạy trẻ con ra sao về chuyện ăn uống này?

- Tùy thôi. Xưa thì người ta dạy kỹ, nay thì tùy gia đình. Nhưng người Việt có câu: "ăn xem nồi, ngồi xem hướng." Khi mình còn nhỏ, trong bữa ăn nếu vô ý ăn nhiều quá hoặc lựa miếng ngon, miếng lớn trong đĩa thức ăn chung sẽ bị ba mẹ mắng là vô duyên, ra ngoài đời mà ăn uống như vậy người ta sẽ chê mình tham ăn.

Bố mẹ đứa nhỏ dịch lại câu nói của tôi cho con họ. Họ nói rằng có thể mỗi nơi suy nghĩ khác nhau nhưng chia sẻ với nhau dù chỉ là miếng ăn cũng là điều hết sức quan trọng. Con bé có vẻ rất bực mình. Nó bảo:

- Nhưng con thích ăn thịt xông khói, sao mẹ không mua thật nhiều chứ?

Mẹ nó lắc đầu:

- Không. Mẹ mua vừa đủ thôi, và mỗi bữa chỉ như vậy. Không có thịt xông khói con còn có rất nhiều thứ. Và mỗi ngày, chúng ta nên ăn cân đối cả thịt, khoai tây, phô mai và rau củ nữa.

- Tại sao chúng ta không ăn thứ chúng ta thích mà chúng ta phải ăn thứ khác?

- Vì có rất nhiều thứ chúng ta thích nhưng ăn nhiều quá không tốt cho sức khỏe. Và khi chúng ta chỉ chăm chú ăn thứ chúng ta thích thì sẽ không có cơ hội thưởng thức những thứ khác.

Đứa nhỏ phụng phịu, nó để muỗng nĩa lên dĩa thật mạnh tay. Không ai để ý tới nó, mọi người cứ ăn uống bình thường. Nó tựa hai tay lên bàn, đặt nguyên cái cằm vào dĩa rồi gật gật đầu làm cái dĩa kêu lục cục. Ba nó rút cái dĩa ra khỏi cằm nó. Nó phản ứng rất mạnh bằng cách đưa tay bốc miếng thịt xông khói cuối cùng. Ba nó dằn miếng thịt lại để nguyên ở đó. Anh còn xuống bếp lấy thêm 3 miếng nữa cho ba người. Đứa nhỏ đứng dậy:

- Con không thèm ăn nữa.

- Tùy con.

Đứa nhỏ gần khóc, nó đi lòng vòng, bực dọc. Nhưng rồi một lát sau, nó lại vui vẻ với con mèo trong góc phòng và không còn để ý tới bữa ăn của người lớn ở kế đó. Tôi nói với mọi người:

- Ở Việt Nam, mọi người tránh giải thích cho một đứa trẻ về chuyện tương tự trong bữa ăn. Cha mẹ sẽ phải đối mặt với việc giải thích sao cho hợp lý để nó hiểu. Và mình sẽ thấy mình rất tệ vì không cho con ăn, đối với những người làm cha làm mẹ, như vậy thật đau lòng.

- Đúng, mỗi khi phải từ chối cho con mình ăn cái gì, mình thấy khó chịu lắm. Nhưng làm ba mẹ thì phải can đảm thôi. Mẹ đứa nhỏ nói.

- Vì vậy, trong những trường hợp tương tự, ở Việt Nam, người ta sẽ xuống bếp và lấy lên năm mười miếng thịt xông khói cho đứa nhỏ ăn và người lớn sẽ nói chuyện của người lớn.

- Ở Pháp cũng vậy nhưng muốn làm ba mẹ thì phải can đảm và kiên nhẫn, không còn cách nào khác. Con cái không ăn bữa này sẽ ăn bữa khác, nhưng nếu không dạy nó từ chuyện miếng thịt xông khói thì sau này bất kỳ thứ gì nó cũng giữ riêng cho mình nó, lúc đó mình đâu có thể mang cả thế giới này chỉ riêng cho mỗi con của mình được, phải không?

Theo Seatimes