Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường chuẩn phá chuẩn


Ở các thành phố lớn, có nghịch lý là những trường mầm non nào khi đạt chuẩn quốc gia rồi thì thường sẽ phá chuẩn, sĩ số học sinh luôn vượt chuẩn.


Trường mầm non Bến Thành (Q.1) đã phải "phá chuẩn" để đáp ứng chỗ học cho học sinh
- Ảnh: B.Thanh


Đạt đã khó

Từ tháng 1.2002, Quy chế về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT ban hành bắt đầu có hiệu lực. Tính đến nay đã hơn 12 năm nhưng tỷ lệ trường đạt danh hiệu này ở TP.HCM cũng chỉ xấp xỉ 10%, là một trong những địa phương có tỷ lệ thấp nhất nước. Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT, trong tổng số hơn 900 trường, thì TP có 91 được công nhận đạt chuẩn do TP vướng những khó khăn về diện tích đất, kéo theo sĩ số lớp học không thỏa mãn tiêu chuẩn quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất và thiết bị.


Ở Q.Tân Bình, trong hơn 10 năm, nhưng chỉ có 5 trong tổng số 26 trường công lập được công nhận chuẩn quốc gia. Bà Phạm Thị Phước, Phó phòng GD, phân tích: "Do nhiều trường là nhà dân tiếp quản từ năm 1975, nên không đảm bảo quy cách, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích chật hẹp, không có hành lang, sân chơi, phòng hoạt động chức năng... Vì vậy, để có được 5 trường thỏa mãn tiêu chí đánh giá, quận phải cải tạo và điều chỉnh rất nhiều".


Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó phòng GD Q.5, cho biết trong số 17 trường công lập của quận thì có 6 trường đạt chuẩn quốc gia. Hạn chế muôn thuở vẫn là cơ sở vật chất, diện tích đất của quận không thay đổi, khó lòng tìm được một địa chỉ phù hợp để xây dựng trường nhưng dân số thì mỗi năm mỗi tăng.


Giữ càng khó hơn
Tuy nhiên, lãnh đạo một phòng GD thẳng thắn nhận định: "Đấy là tính từ năm 2002 đến nay và Bộ chưa hề yêu cầu đánh giá lại thì mới có được con số đó. Chứ nếu căn cứ theo đúng quy định thì nhiều trường mất chuẩn này từ lâu rồi".


Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu căn cứ vào các tiêu chuẩn đánh giá trường chuẩn quốc gia. Chỉ tính riêng một tiêu chí quy mô trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo phải đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường mầm non thì các trường đã vượt chuẩn gấp 2 lần từ nhiều năm nay. Cụ thể điều lệ quy định số trẻ tối đa trong lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi là 25 trẻ, lớp 4 - 5 tuổi là 30 trẻ và lớp 5 - 6 tuổi là 35 trẻ. Thực tế sĩ số ở các lớp đều dao động từ 50 - 60 học sinh. Một trường mầm non có tiếng tại Q.5 là trường đang gắn biểu tượng trường chuẩn quốc gia nhưng sĩ số các lớp xấp xỉ 60 học sinh.


Ở Q.Tân Bình, bà Phạm Thị Phước cũng nhìn nhận: "Trường có thành tích thì đông đảo phụ huynh tín nhiệm gửi con em nên sĩ số nhóm lớp cao, không đảm bảo quy định về diện tích phòng sinh hoạt...". Còn lãnh đạo Phòng GD Q.5 thì hy vọng 2 - 3 năm nữa sẽ cố gắng đạt con số của điều lệ quy định.


Thẩm định lại các trường đạt chuẩn

Hà Nội cũng tổng rà soát để thẩm định lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008 trở về trước.


Nguyên nhân một số trường "mất chuẩn" là do không duy trì được sĩ số như ở thời điểm công nhận chuẩn; để số học sinh/lớp, số lớp/trường học tăng quá nhanh, dẫn tới tỷ lệ diện tích/học sinh không đúng như yêu cầu chuẩn đặt ra. Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy toàn thành phố có 434 trường chuẩn đã được công nhận từ năm 2008 trở về trước. Qua rà soát, thẩm định lại, chỉ có 284 trường đạt yêu cầu theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Hiện đã có 89 trường được UBND TP ra quyết định công nhận lại, số còn lại đang được Sở hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP xem xét từ nay tới cuối năm.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Không vì cố đạt mục tiêu mà bỏ quên chất lượng. Những trường không đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn hiện hành, dứt khoát không được công nhận lại.


Theo Thanh Niên