Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bữa ăn trong trường học: Cần sự quan tâm đúng mực


"Dinh dưỡng cho trẻ lứa tuổi học đường, đặc biệt cho trẻ nhỏ trong những năm đầu đời là nền tảng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài bữa ăn gia đình, nhiều em theo chế độ bán trú, tạm trú ở trường nên những suất ăn tập thể cũng cần được quan tâm để cân bằng giữa các nhóm thực phẩm cần thiết.


Cần có một thực đơn chuẩn thống nhất cho bữa ăn bán trú của trẻ

 

Chưa nói đến những vụ ngộ độc hàng loạt thì nỗi lo thực phẩm bẩn, cụ thể là sử dụng thịt thối trong chế biến thức ăn cho học sinh ở TP. HCM mà báo chí đưa tin thời gian qua cũng khiến dư luận hết sức lo lắng" - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ.


Một điều dễ nhận thấy là bữa sáng hiện nay đối với nhiều người, trong đó có cả trẻ nhỏ chưa được coi trọng. Có trường hợp ăn qua quýt cho no bụng mà chưa quan tâm đến thành phần dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn đã đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động năng lượng cho một ngày mới hay chưa. Có trường hợp do dậy muộn, do công việc bận rộn, thời gian có hạn và hàng chục nguyên nhân khác khiến nhiều người ăn gộp cả bữa sáng vào bữa trưa! Với trẻ nhỏ lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, hình ảnh thường thấy ở các cổng trường mỗi buổi sáng là mẹ vừa xúc xôi, cháo... cho con vừa giục ăn nhanh lên kẻo muộn giờ vào lớp. Kết thúc bữa ăn, mẹ thường dúi vào tay con hộp sữa với lời dặn dò nhớ uống.


Bữa tối trẻ thường ăn với gia đình, nhưng theo nhiều nghiên cứu thì thời gian này nên để cơ thể, trong đó có cả dạ dày nghỉ ngơi. Không nên dồn tất cả những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đạm, khó tiêu,... vào bữa tối khiến cơ thể quá tải. Nhiều gia đình sợ con thiếu chất, học hành vất vả... nên bổ sung thêm bữa ăn khuya. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nên căn cứ vào tổng năng lượng cả ngày trẻ đã nạp vào cơ thể theo từng nhóm tuổi khác nhau có nhu cầu năng lượng bao nhiêu, đạm bao nhiêu, các vitamin, khoáng chất khác... Nếu chưa đủ có thể bổ sung bữa ăn phụ nhưng nhìn chung hạn chế ăn muộn sau 8h tối vì dễ dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, không tốt cho sức khoẻ. Từ đây, có thể thấy vai trò của bữa trưa đối với nhu cầu dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày của trẻ là rất quan trọng.


Dù chưa có một điều tra trên diện rộng, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, không khó để nhận ra sự khác nhau trong chất lượng các bữa ăn giữa các vùng miền. Cụ thể, ở các TP lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng... khẩu phần ăn bán trú của trẻ tương đối đủ, thậm chí là thừa dinh dưỡng khi có quá nhiều năng lượng, chất đạm, béo... Trong khi đó, ở nhiều địa phương còn khó khăn thì bữa ăn bán trú chưa đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi cần có của trẻ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trong độ tuổi đến trường ở các TP lớn tăng cao giai đoạn hiện nay, trong khi ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì lại báo động về tỷ lệ trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng.


Theo Báo Đại Đoàn Kết