Theo một nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Luật và Kinh tế của Mỹ cho thấy, nếu quảng cáo đồ ăn nhanh trên truyền hình bị cấm thì có thể giảm 18% số lượng trẻ thừa cân tới. Ngoài ra, hủy bỏ chính sách giảm thuế cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình sẽ theo đó góp phần giảm những quảng cáo tương tự như trên, tác động gián tiếp đến tỷ lệ béo phì ở trẻ.
Cục nghiên cứu Kinh tế Mỹ (NBER) được sự tài trợ của Viện Y tế Quốc gia đã tiến hành đo số giờ những đứa trẻ xem quảng cáo đồ ăn nhanh xuất hiện trên truyền hình trong vòng một tuần. Các nhà nghiên cứu đã tính toán kỹ lưỡng để đưa ra kết quả, có thể làm giảm 18% số lượng trẻ béo phì trong độ tuổi từ 3 -11 và giảm 14% đối với trẻ từ 12 -18 tuổi nếu cấm hoàn toàn những quảng cáo đồ ăn nhanh xuất hiện trên truyền hình. Bởi chính những hình ảnh thức ăn nhanh tác động không nhỏ tới lũ trẻ khiến chúng có cảm giác thèm ăn hơn bao giờ hết. Đặc biệt, lũ con trai bị tác động bằng hình ảnh mạnh hơn các bé gái.
Tuy nhiên, trên thực tế, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ngân sách của chính phủ. "Chúng tôi biết rằng, tình trạng béo phì ở trẻ em ngày càng tăng nhưng có rất ít nghiên cứu được thực hiện để xác minh quảng cáo truyền hình là một nguyên nhân gián tiếp. Chúng tôi hyvọng rằng, nghiên cứu này có thể là cơ sở cho các cuộc thảo luận nghiêm túc trong chiến dịch kiềm chế đại dịch béo phì của nước Mỹ" Giáo sư Frank L. Magee đến từ Đại học Kinh doanh và Kinh tế khẳng định.
Các nhà nghiên cứu dự án còn phát hiện "dắt dây" rằng, không chỉ cấm quảng cáo mới giảm tỷ lệ béo phì mà chỉ cần loại bỏ các ưu đãi thuế gắn với những quảng cáo này cũng sẽ gián tiếp giảm tỷ lệ béo phì ở trẻ em dù chỉ ở mức thấp từ 5-7%. Quảng cáo được coi là chi phí đầu tư kinh doanh, nếu áp dụng chính sách này sẽ làm giảm thu nhập của công ty. Các nhà nghiên cứu cũng đã tính toán, vớimức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại là 35% thì việc loại bỏ ưu đãi thuế đồng nghĩa với việc chi phí quảng cáo sẽ đội lên 54%. Điều này sẽ khiến các công ty đồ ăn nhanh phải cân nhắc khi bỏ quá nhiều tiền cho việc quảng cáo, phần nào cũng hạn chế được hình ảnh đồ ăn nhanh đang xuất hiện tràn lan trên mọi phương tiện truyền thông.
Nếu cả hai phương án trên đều được thực hiện thì các chiến dịch quảng cáo đồ ăn nhanh tới trẻ em sẽ giảm khoảng 40% và tác động ít, chỉ còn khoảng 33% đối với thanh niên. Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên dựa vàothói quen xem các chương trình quảng cáo đồ ăn nhanh trên truyền hình của 13.000 trẻ em và dữ liệu của nhiều cuộc nghiên cứu trước thuộc Bộ Lao động Mỹ.
Một báo cáo năm 2006 của Viện Y học cũng minh chứng cho việc quảng cáo thực phẩm trên truyền hình liên quan đến bệnh béo phì. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ước tính, ở Mỹ từ năm 1970 - 1990, tỷ lệ thừa cân ở trẻ từ 6 - 11 tuổi tăng gấp 3, khoảng 13%, trong khi con số đó là 14% đối với trẻ từ 12 - 19 tuổi. Mỗi năm có hơn 300.000 ca tử vong là do béo phì.
Tuy nhiên, do lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới giới quảng cáo, truyền thông và nhiều ngành nghề khác, cũng như tác động đến thu chi ngân sách, vì thế, để nó trở thành hiện thực cũng còn là cả chặng đường dài. Trong khi, đồ ăn nhanh của nước Mỹ đang bị "xa lánh" thì tại Việt Nam, giờ mới đang nở rộ và sản phẩm đồ ăn nhanh cũng theo đó xuất hiện quảng cáo nhan nhản khắp nơi. Dù cho chi phí trần quảng cáo của Việt Nam có bị áp chỉ 15%, nhưng các hãng đồ ăn nhanh chủ yếu từ đầu tư nước ngoài vẫn có đủ cách "lách luật" để hấp dẫn trẻ con, thanh niên Việt bằng hình ảnh hấp dẫn, cho dù thực tế, chúng "méo mó" và kém đẹp hơn hình ảnh quảng cáo rất nhiều.
Theo songmoi.vn