Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp - khu chế xuất: Cần gỡ vướng về chính sách


Một lần nữa, vấn đề trường mầm non cho con công nhân lại được xới lên tại hội thảo về giải pháp phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) vừa diễn ra tại TPHCM. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, nhu cầu gửi con của hàng nghìn công nhân các KCN-KCX luôn có, nhưng "cung" không đủ "cầu" và vướng rất nhiều vấn đề về chính sách, thủ tục.


Trường mầm non Mặt trời nhỏ của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân (TPHCM), một trong số rất ít trường mầm non dành cho cho con công nhân.


"Cung" quá ít

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong 5 năm qua thành phố đã tăng hơn một triệu dân, trong đó chủ yếu là người nhập cư. Thành phố có tới 15 KCN-KCX với gần 300.000 lao động phần lớn ở tuổi sinh con với hàng nghìn trẻ có nhu cầu vào trường mầm non mỗi năm.


Mặc dù UBND thành phố đã thực hiện cả ba giải pháp để xây trường mầm non cho con công nhân, gồm thực hiện xây trường bằng nguồn vốn xã hội hóa, xây các trường mầm non liền kề KCN-KCX bằng ngân sách thành phố, và xây trường trong các khu này. Các KCN-KCX cũng đã bắt đầu lên kế hoạch xây trường mầm non với 15 dự án được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, 20 dự án khác cũng đang được thành phố chi ngân sách để thực hiện, nhưng hiện chỉ có 6 dự án đi vào hoạt động, đáp ứng được cho 1.930 trẻ.


Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 28/31 KCN-KCX đã hoạt động với 443.000 lao động, trong đó 60% là dân nhập cư. Trong tổng số lao động này, có khoảng 70% số lao động có nhu cầu gửi con. Thế nhưng, mới chỉ có 3 trường mầm non dành cho con công nhân tại 3 Cty. Riêng tỉnh Bình Dương năm 2014 có 1,952 triệu dân, tăng 90.000 người so với năm trước, kéo theo lượng trẻ có nhu cầu đền trường tăng 6.000 - 9.000 trẻ/năm. Trong khi đó, hàng nghìn trẻ mầm non đang phải gửi vào các nhóm, lớp mầm non tư thục.


Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Cần Thơ Trần Hồng Thắm cho hay, địa phương này có 154 trường mầm non công lập và 127 trường ngoài công lập, song vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu gửi con của người dân. Hiện có khoảng 1.100 trẻ là con công nhân có nhu cầu vào trường mầm non, nhưng chỉ có khoảng 800 cháu được đến trường. Số còn lại phải gửi ở những nhóm lớp chưa được cấp phép.


Có giải pháp nhưng vẫn vướng văn bản

Bà Phạm Thị Huệ Trang - Trưởng phòng GD Mầm non (Sở GDĐT Bình Dương) - cho biết, Bình Dương đã đưa ra 8 giải pháp, nhưng vẫn không giải quyết nổi nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh là công nhân ở KCN-KCX.


Nguyên nhân là do việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non tại các khu đô thị, dân cư, công nghiệp để xây dựng trường mầm non theo điều lệ trường mầm non (8m2/trẻ) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất khó. Ngoài ra, lượng trẻ mầm non tăng nhanh trong khi số lượng giáo viên lại thiếu hụt, nhất là khi chế độ của giáo viên hiện còn rất thấp, thậm chí thấp hơn thu nhập của lao động giản đơn, thêm vào đó giáo viên mầm non trong các KCN phải làm việc theo chế độ doanh nghiệp, không được hưởng các ưu đãi (nghỉ hè...) như các giáo viên mầm non khác cũng gây ra không ít khó khăn.


Nhu cầu gửi trẻ thông tầm (thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và từ 17h đến 22h hằng ngày) do phụ huynh công nhân làm việc tăng ca rất lớn trong khi các trường mầm non chưa thể đáp ứng được việc giữ trẻ. Các văn bản quy định về xã hội hóa chưa áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có quy mô nhỏ. Đến nay, vẫn chưa có văn bản nào đối với việc cho phép thành lập và cho phép hoạt động đối với các trường mầm non tại các KCN có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một rào cản rất lớn.


Bà Phạm Thị Hải - Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai - đã chỉ ra quá nhiều vướng mắc từ văn bản như Nghị định 29/NĐ-CP quy định không được xây dựng trường học trong các KCN-KCX là rào cản trong việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân. Các KCN đã quy hoạch được quỹ đất lại ở xa dân cư, không thuận việc đi lại của dân. Các KCN đông công nhân, nhu cầu xây trường lớn lại không tìm được đất sạch do vướng đền bù, giải tỏa.


Nghị định 164/2013/NĐ-CP cho phép sử dụng đất trong KCN để triển khai các dự án xã hội hóa như nhà công nhân, giáo dục, y tế và được miễn thuế đất. Tuy nhiên, Nghị định 46/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 quy định các dự án xã hội hóa khi thuê đất trực tiếp với Nhà nước mới được miễn giảm tiền thuế đất. Trong khi các doanh nghiệp đầu tư vào KCN không thuê đất trực tiếp từ Nhà nước, mà thông qua công ty hạ tầng KCN, nên không được miễn giảm.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, những khó khăn trên cần phải được tháo gỡ từ Chính phủ, và sẽ kiến nghị lên các bộ ngành liên quan, để xây dựng được cơ chế về quỹ đất, thuế hỗ trợ và các chính sách khác cho việc xây trường mầm non, nhất là trường cho con em công nhân.


Theo LĐ