Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gian nan giáo dục vùng cao Ba Bể


Đến huyện Ba Bể (Bắc Kạn) vào những ngày đầu tháng 10 trời đã se lạnh. Với cặp sách và đùm cơm trên tay, học sinh (HS) nơi đây đi bộ vượt sông suối, dốc cao hàng cây số đến trường học chữ.


Giờ học thể dục của HS ở điểm trường Đồn Đèn


Giống như nhiều huyện miền núi khác, giáo dục Ba Bể cũng khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, nhiều HS yếu, bỏ học. Có lẽ đáng mừng nhất là được nhà nước hỗ trợ của và địa phương tuyên truyền vận động, tỷ lệ HS đến trường hiện nay ngày càng tăng, không bỏ học nhiều như trước, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phạm Đức Thắng nói.


Khổ vì học nhờ, học tạm

Năm học này Ba Bể có 8861 HS, trẻ mầm non 2801 cháu, tăng 7,2% so với năm học trước, nhưng tỷ lệ HS yếu, bỏ học vẫn khá cao, chủ yếu là THCS. Thiếu phòng học là nan giải nhất, 40% phòng học bị xuống cấp các em phải học tạm.


Cô Ma Thị Ngậm, Phó phòng Giáo dục huyện nói, chúng tôi nên đến với trường mầm non Khang Ninh ở xã Khang Ninh, hơn 10 năm nay chưa xây được trụ sở chính, đa số HS phải học nhờ nhà văn hoá, trạm xá thôn.


Gặp cô Bế Thị Yến, Hiệu trưởng mầm non Khang Ninh ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Khang Ninh, là nơi xã cho nhà trường mượn để làm nhà hiệu bộ. Năm 2002, trường mầm non Khang Ninh tách ra từ trường tiểu học và THCS Khang Ninh. Hồ sơ nhà trường tách, còn trường chưa xây nên vẫn phải học nhờ. Tháng 10 năm ngoái, tỉnh đầu tư xây dựng cho trường một trụ sở gần 5.000m2. Đúng ra tháng 10 này học sinh sẽ có trường mới nhưng khi sắp khởi công, đất bị sụt lún. Nhà trường lại tiếp tục học nhờ chờ tìm mảnh đất khác.


Học nhờ nên chất lượng dạy và học không đảm bảo. Các phòng học chật hẹp. Không tổ chức cho các cháu ăn bán trú được cũng ảnh hưởng khi học 2 buổi nhưng buổi trưa nhiều cháu bố mẹ đến đón về ăn trưa và ngủ muộn thì chiều không đến lớp nữa.


Cô Yến tâm sự, hơn 10 năm làm hiệu trưởng từ khi tách trường, cô chỉ mong trường được xây dựng để đảm bảo chất lượng học hành cho các em, để HS được ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng và đáp ứng việc học.


Vở sắp hết, lấy gì để viết?

Rời trường mầm non Khang Ninh, đi thêm gần 20km từ trung tâm xã là đến trường Đồn Đèn, một trong 6 điểm trường khó khăn của trường tiểu học Khang Ninh. Ở đây có 7 giáo viên, 5 lớp với 75 HS chủ yếu là con em đồng bào Mông và Dao. 100% là hộ nghèo ở rải rác các nơi trên đỉnh Đồn Đèn, Khuổi Luông...


Thầy Trịnh Đình Vi cho biết, HS nhiều em chưa thông thạo tiếng phổ thông nên tiếp thu rất chậm, có em học buổi sáng, buổi chiều đã quên, thậm chí cả năm học vẫn chưa biết đánh vần những chữ cái đơn giản. Gia đình những em thuộc khu tái định cư Đồn Đèn rất khó khăn, bố mẹ đa số mù chữ nên không quan tâm đến việc học của con, phó mặc cho nhà trường. "Các em đều được mượn sách từ thư viện nhà trường, vở tự mua. Nhưng nhiều nhà không mua vở nên có em đi học chỉ có 1 quyển vở viết chung các môn. Tôi đang lo sắp tới không biết các em lấy gì để viết", thầy Vi lo lắng.


Lúc chúng tôi đến sân trường đang có giờ thể dục của lớp 2E. Các em nhỏ xíu mặc những bộ quần áo cũ, bẩn, đi dép hoặc đi chân đất. Thầy Vi nói, thương nhất là lúc các em ăn cơm. Ngoài 2 buổi thứ 3, 4 hàng tuần được ăn bữa trưa theo dự án SEQAP của nhà nước, các bữa ăn còn lại chỉ có cơm và rau. Có em gia đình khó khăn, không có cơm mang đi phải ăn cơm cùng với các thầy cô giáo. Mùa đông mưa lạnh lắm nhưng nhiều em không có quần áo ấm để mặc, có em không thể đến lớp vì lạnh quá.


Trưởng thôn học đến lớp 9

Đa số ở đây các cháu học hết lớp 5 là bỏ học, anh Dương Văn Lành, nguyên trưởng thôn Đồn Đèn chia sẻ, HS học lên trung học rất ít. Từ khi thành lập thôn Đồn Đèn đến giờ cả thôn chỉ có 2 HS học đến cấp 3 thôi, chứ chưa nói đến trung cấp, CĐ, ĐH gì.


Vậy thì đến bao giờ thôn Đồn Đèn mới có người làm ở huyện, ở tỉnh đây? - anh Lành cười buồn: "Thôn mình bây giờ mới chỉ có mình trưởng thôn và công an viên thôi chứ không có bí thư, nói gì đến cán bộ xã, huyện...Mình cũng mới học đến lớp 4. Hôm nay, mới bầu lại trưởng thôn là anh Dương Văn Sinh học đến lớp 9".


Câu chuyện về hai điểm trường của huyện Ba Bể khiến ta thêm một lần nữa thấy được nỗi khó khăn "muôn đời" đeo bám giáo dục vùng cao. Nhưng ở nơi những ngôi trường thiếu đủ thứ ấy vẫn luôn ấm áp tình yêu thương của các thầy cô giáo bám trường, bám lớp dạy chữ cho HS. HS vượt khó vượt khổ mỗi ngày trong niềm vui học chữ, cùng gia đình mơ chữ thoát nghèo cho bản thân và quê hương.


Theo Báo Đại Đoàn Kết