Chuẩn cho con ăn dặm theo từng tháng tuổi Trong một năm đầu đời, bé sẽ phát triển qua nhiều gia đoạn, nên mẹ cần thay đổi về dinh dưỡng để phù hợp với sự phát triển của bé. Với mỗi bé thì khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, khẩu vị và lượng thức ăn sẽ là khác nhau. Mẹ nên quan tâm và chăm sóc kỹ tới bé, như thế mẹ có thể dễ dàng biết được khẩu vị ưa thích của bé. 4 - 6 tháng tuổi Tới 5 tháng tuổi, bé có thể sẵn sàng hơn cho những dinh dưỡng và thực phẩm mới. Đây là thời điểm thích hợp cho trẻ ăn các loại thực dạng lỏng như ngũ cốc, nước trái cây. Ngũ cốc cung cấp cho trẻ chất sắt - một thành phần quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Khi chào đời, trong cơ thể bé có một lượng sắt nhất định, nhưng nếu không được bổ sung kịp thời bé sẽ bị thiếu máu, gây nguy hại đến sức khỏe. Để cho bé dễ ăn, mẹ nên trộn ngũ cốc với sữa bột, sữa mẹ hoặc với nước. Trong giai đoạn này, nhiều mẹ nhận thấy con tăng cân chưa đủ nên tiến hành cho con ăn dặm. Mẹ cần chú ý để nhận biết các dấu hiệu sẵn sàng để con có thể ăn thức ăn dặm như có thể kiểm soát các cử động của đầu và cổ; mọc răng; có thể ngồi lên với sự trợ giúp của người thân... 6-8 tháng tuổi Đây là giai đoạn phù hợp để các mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Hoa quả và rau củ là lựa chọn lí tưởng nên trong danh sách đồ ăn dặm của bé. Mẹ nên chọn những loại quả mềm, giàu dinh dưỡng, vị thơm ngon để bé dễ ăn hơn như chuối, kiwi, đu đủ, lê...Rau củ thích hợp hơn cả cho bé là bông cải xanh, củ cải trắng, củ cải đỏ, bí xanh, bí ngô, khoai tây, cà rốt, khoai lang... Sau khi đã lựa chọn được loại rau củ quả thích hợp, mẹ bắt tay vào chế biến. Trước tiên, mẹ rửa sạch các loại hoa quả (rau củ), sau đó luộc hoặc nướng cho đến khi mềm. Chờ nguội bớt, các mẹ nghiền nhuyễn bằng tay hoặc dùng máy xay sinh tố. Mẹ có thể tạo hỗn hợp bằng cách cho thêm vào một ít sữa bột pha sẵn, sữa mẹ hoặc nước trắng. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể xay nhuyễn các loại thịt (thịt bò, thịt gà, thịt lợn), cá, đậu (đậu đỏ, đậu lăng, đậu đen, đậu điểm). Các bác sĩ khuyên mẹ không nên cho con ăn thịt quá sớm, tuy nhiên thịt có chứa lượng chất sắt lớn đặc biệt phù hợp với các bé dùng sữa mẹ.
8-10 tháng tuổi Thời điểm này, các bé đã mọc răng, nên việc ăn uống cũng trở nên dễ dàng hơn. Các thức ăn không nhất thiết không nhất thiết phải nghiền nhuyễn, chỉ cần nấu cho đến khi mềm. Bé bắt đầu có thể ăn bốc. Những loại thực phẩm bé có thể tự cầm ăn như chuối chín cắt lát, bánh mì miếng cắt nhỏ, bánh quy giòn, đậu phụ, mì...Mẹ nên cắt nhỏ để bé dễ cầm và đảm bảo con không bị nghẹn khi ăn. Ngoài ra, mẹ nên cho bé dùng thêm các sản phẩm từ sữa nhữ sữa chua, pho mai làm từ sữa đã gạn kem, pho mát tiệt trùng. Đối với pho mai, các mẹ cũng cắt nhỏ cho con dễ ăn. 10-12 tháng tuổi Vào giai đoạn này, bé có thể ăn được đa dạng các loại thực phẩm hơn. Tuy nhiên, một số bác sĩ nhi khoa vẫn khuyến cáo nên tránh xa đậu phộng, lạc hoặc tôm, sò...vì chúng có thể khiến trẻ bị dị ứng. Mẹ không nên cho con dùng sữa bò và mật ong cho đến khi con 1 tuổi. Khi bé mọc nhiều răng và biết nhai, bé có thể ăn được những miếng lớn hơn một chút. Trong thời điểm này, bạn hãy quan sát cẩn thận, thấy bé gặp khó khăn khi ăn miếng lớn thì nên cắt nhỏ ra cho bé. Đặc biệt cẩn thận nếu cho bé ăn nho, xúc xích...vì chúng dễ khiến trẻ bị nghẹt thở.
Thanh Loan (Theo Webmb) (khampha.vn)
|