Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bố ít chăm con, trẻ trai dễ yếu đuối


Nhiều ông bố vì mải mê kiếm tiền, phó thác việc dạy con cho vợ khiến cái bóng của mình dần trở nên mờ nhạt với con. Đến lúc con hư, phát triển lệch lạc mới bắt đầu uốn nắn chỉ càng khiến trẻ trở nên khó bảo hơn.

Chỉ có 2% trẻ tâm sự với bố

Buổi chiều mẹ bận nấu cơm dưới bếp, bé Minh chơi với bố ở trên nhà. Chơi một mình mãi dưới đất cũng chán nên bé Minh trèo lên giường rủ bố chơi ô tô cùng. Bố Minh đang mải xem ti vi nên gạt con ra. Để lôi kéo sự chú ý của bố, bé Minh điều khiển xe ô tô phi vèo một phát từ trên giường xuống đất.

Ngay lập tức, ông bố hét lên: "Phá như thế còn gì là xe? Một phát nữa là con ăn tát ngay đấy". Lại một lần nữa, chiếc xe vù vù tiếp đất lần 2. Không nén được cơn giận giữ, lại sợ nói mà không làm thì mất uy nên bố Minh chồm dậy phát hai phát vào mông con trai. Minh khóc ầm lên rồi lăn đùng ra nền nhà mẹ thảm thiết.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Thủy, Trung tâm tư vấn Gia đình (Trường cán bộ phụ nữ TW) cho biết, rất nhiều bà vợ gọi điện đến trung tâm than phiền rằng chồng mình hầu như không chịu mó tay vào việc chăm sóc và nuôi dạy con, và nếu đứa trẻ mắc lỗi thì đổ riệt "con hư tại mẹ".

Các ông bố "ngại" tham gia vào việc chăm sóc, giáo dục con thường viện lý do "không có thời gian" khoán trắng việc chăm sóc con cái cho vợ, không dành thời gian để chơi và chuyện trò với con, dù chỉ là 15 - 20 phút mỗi ngày, không cho con ăn, không đưa con đi học; thậm chí con ốm cũng không giúp vợ đưa con đi khám bệnh. Điều này vô hình chung làm cho trẻ thiếu tình yêu thương của người cha, không tạo sự gắn kết cho gia đình.

Thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng cho thấy có đến 21,5% người bố không có thời gian dành cho con. Và cũng chỉ có 2.6% trẻ chia sẻ mối quan tâm, lo lắng với người bố của mình.


Việc chơi đùa, chăm sóc của người bố cũng sẽ giúp định hướng giới tính cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Bé trai dễ phát triển thiên lệch

Chuyên gia Thu Thủy cho biết, rất ít ông bố thấy được vai trò của mình đối với việc phát triển nhân cách toàn diện và sự trưởng thành của con cái nên dường như họ khước từ uy quyền của mình, lười tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dạy con.

Họ coi việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là thiên chức của người phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến, người đàn ông cho rằng mình chỉ làm những công to việc lớn, còn việc chăm lo còn cái gia đình là trách nhiệm của người phụ nữ.

Gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển nhân cách của trẻ. Ở lứa tuổi nào, trẻ nhỏ cũng cần được sự chăm sóc và dạy dỗ của cả bố lẫn mẹ để phát triển toàn diện. Đặc biệt, một người bố biết thể hiện uy quyền của mình với con cái, dậy chúng, chăm sóc chúng sẽ rất tốt đến sự hình thành và hoàn thiện nhân cách, trí tuệ, tình cảm của trẻ, dù là con gái hay con trai.

Người bố giống như người thầy, người dẫn đường cho con. Bởi bản tính dịu dàng của mẹ, khi mẹ nói chúng chỉ nghe mà không làm theo vì mẹ không có uy bằng người bố. "Việc chơi đùa, chăm sóc của người bố cũng sẽ giúp định hướng giới tính cho trẻ. Nếu để mặc người mẹ tự làm mọi việc, các bé, nhất là bé trai, sẽ bị ảnh hưởng từ mẹ nhiều hơn, lớn lên sẽ phát triển thiên lệch, yếu đuối" - bà Thuỷ khuyến cáo.

Người đàn ông nếu giao phó mọi việc nuôi dạy con cho vợ là tự tước đi cái quyền thiêng liêng của mình và đó là một nỗi khổ của họ. Con cái sẽ ít hiểu và gần gũi với bố. "Chẳng may, người bố mắc lỗi trong cuộc sống sẽ rất khó nhận được sự chia sẻ, tha thứ từ phía con mình, thậm chí nó là nguyên nhân làm mất cả con. Đã có nhiều ông bố rất thành đạt trong sự nghiệp nhưng đến khi tuổi cao lại rơi vào cảnh cô đơn vì không nhận được sự yêu thương của con cái"- bà Thu Thủy cho biết.

Với trẻ thơ, rất cần tình thương của bố. Có nhiều trẻ khi trưởng thành không nhớ những thứ mà bố đã mua cho mình ngày nhỏ mà chúng thường nhớ đến những giây phút khi bố dành cho mình như: được bố tắm, được cưõi trên lưng, trên cổ bố hay những lúc cả nhà đi chơi... Việc sắm cho con đầy đủ vật chất mà không dành thời gian với con cũng chỉ làm trẻ không coi trọng mình. Khi đấy, uy quyền của người bố sẽ không đủ để dăn đe trẻ, nếu dùng roi vọt chỉ càng làm cho trẻ thêm lì và ghét cha hơn.

(Chuyên gia tâm lý Thu Thủy)
Mai Thúy (giadinh.net.vn)