Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thèm chiều cao


Xã hội càng phát triển, thể lực sức khỏe của con người càng được chú trọng, đặc biệt là chiều cao. Nhiều người "thèm chiều cao" tới độ khát khao dù chỉ một đôi phân. Đây là thứ muốn không dễ.Cơ thể khi đã không còn phát triển nữa, chiều cao cũng "coi xong". Mà chiều cao của dân Việt ta tăng lại chậm. 10 năm chỉ cao thêm 1cm, theo số liệu Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) đưa ra nhân Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 2014 đang tới. So với chuẩn quốc tế, chiều cao nam thanh niên ta chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm, và nữ chỉ 153cm, cũng dưới chuẩn hơn 10,7cm. Tính cân nặng và sức bền cũng còn thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế.


Học ăn, học nói...


Nhìn ra mấy nước phát triển ở châu Á, chiều cao thanh niên ta thấp hơn họ khoảng 10cm. Tính sơ sơ kiểu cộng trừ, cũng phải mất cả trăm năm nữa, người nước ta mới cao bằng họ bây giờ? 6.000 tỉ đồng Chính phủ đã phê duyệt cho đề án nâng chiều cao người Việt trong 20 năm, tính từ 2010. Nhiều chuyên gia lưu ý, tiền lắm cũng không dễ biến hóa chiều cao vụt lớn như... Phù Đổng!


Song điều này nhen nhóm hy vọng cải biến được tình trạng cứ gần 5 trẻ em dưới 5 tuổi ở ta thì có một bé thiếu cân, và cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 bị thấp còi. Đồng thời đánh thức những nghiên cứu xem đâu là yếu tố cơ bản để người Việt có thể cao nhanh, để đầu tư đúng hướng và không chủ quan trong các khuyến cáo về thể lực.

 

Nhưng thói quen và định kiến sai lầm về ăn uống đã và đang cản trở những cách tăng dinh dưỡng hợp lý. Trẻ em thừa cân béo phì ở thành phố là ví dụ buồn. Ta có thể dễ dàng bắt gặp trẻ béo phì ở nhiều lớp mẫu giáo, tiểu học tới phổ thông. Thói quen khuyến khích trẻ ăn miên man, từ sáng đến tối, cả cơm cả quà vặt, ăn ở nhà, ăn ở trường giờ giải lao giờ tan học, ở lớp học thêm..., nhiều phần vì cha mẹ nghĩ phải ăn vậy mới đủ sức học, phần vì quán xá giăng mắc khắp nơi, trên vỉa hè, trước cổng trường. Chất lượng thực phẩm được chăng hay chớ. Chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu, nhất là chất béo của thịt xiên nướng, phồng tôm, bánh rán, quẩy, đồ chế biến sẵn có quá nhiều chất đạm, bột đường vào cơ thể dư thừa đều hóa thành chất béo dự trữ.


Không nhiều người lớn biết trẻ béo phì chính là mắc bệnh, bệnh béo phì, nguy cơ của bệnh tim mạch, thận, đường mật, xương khớp..., nên mới có chuyện như đùa là cha mẹ giận nhau, ly thân, con dễ bị béo phì. Vì ai cũng lăm lăm lôi con đi với mình để bồi dưỡng, dồn tình thương bằng cách ép ăn, càng nhiều càng ít. Khoe con, nhiều nhà bao giờ cũng có mục "khoe ăn", con sành ăn, ăn khỏe, ăn siêu hơn cả cha mẹ... Quan niệm đó khiến Việt Nam là đất nước có tỉ lệ trẻ béo phì cao nhất trong khu vực theo một khảo sát tình trạng dinh dưỡng ở khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) gần đây.


Mà béo phì ở trẻ em là "tiền đề" béo phì ở người lớn, cuốn theo cơn lốc gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường... Dinh dưỡng hợp lý và tăng rèn thể lực cho mọi người ngay từ tuổi thơ bé vì thế phải là suy nghĩ, trăn trở của mỗi gia đình, các nhà trường, và những nhà hoạch định chính sách.


Lâu nay các nhà dinh dưỡng vào cuộc tích cực nhất, luôn đưa ra các cảnh báo cần thiết trước mỗi kỳ phát động Tuần lễ dinh dưỡng, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới 16-10 hàng năm. Nhưng liệu có đúng chiều cao và thể trạng của trẻ phụ thuộc lớn nhất vào chế độ dinh dưỡng (31%), rồi mới đến gen di truyền (23%)... hay như GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Austrlia, một người làm nghiên cứu về di truyền học cho rằng gien có ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao, khoảng 65% đến 87%.


Khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân do gien quyết định hay đó chỉ là một số kết quả nghiên cứu tin cậy để tham khảo, không ai có thể khẳng định được. Giờ đây có người "bất mãn chiều cao" quyết làm phẫu thuật kéo dài chân, thì "chiều cao cơ học" oái ăm thay lại phụ thuộc vào túi tiền và sự may rủi. Song ít ra, thứ chiều cao rất ít người dám thực hiện đó, lại chính là bằng chứng cho thấy xã hội càng phát triển, thể lực và chiều cao của con người càng được quan tâm chú trọng.


Và vì thế, có lẽ hơn ai hết, chính trẻ em phải thấm thía hơn lẽ hài hòa của thể lực với trí tuệ, hiểu biết. Cần tạo thói quen giáo dục tự thân cho học sinh trong quá trình sống, một chuỗi của giáo dục tự thân trong đó có kiến thức dinh dưỡng, mối liên quan của dinh dưỡng và luyện tập.


Một cuộc khảo sát trên toàn quốc do Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Australia thực hiện cho thấy trẻ em nước này đang bị hổng lớn kiến thức cơ bản về các loại thực phẩm. Trong một hộp đựng thức ăn, chỉ có 45% trẻ em 6 tuổi xác định được rằng phomát và chuối là sản phẩm của các nông trại. Kết quả đó như một "lời thức tỉnh" để ngành giáo dục Australia bổ sung các bài học về nông nghiệp vào giáo trình quốc gia.


Nước ta cũng vậy thôi, chỉ khi học sinh được học - ăn - rèn luyện một cách hợp lý mới có được kết quả như ý về thể lực, mới khỏi khổ sở vì chiều cao có hạn. Tập trung cái gì nhiều quá cũng không tốt. Dinh dưỡng đúng cách rất cần mà chưa đủ. Các yếu tố rèn luyện sự tự tin, tự lập, tự nghiên cứu, chủ động trong suy nghĩ, thẳng thắn trao đổi ý kiến về các vấn đề dinh dưỡng, luyện tập, không thụ động dựa dẫm vào gia đình quá nhiều trong chế độ ăn, cũng rất cần thiết để khi trưởng thành, các em bứt phá, sáng tạo trên nền tảng thể lực có được.


Từ xưa lắm rồi, trong 4 điều phải học từ thuở bé, các cụ ta đã dạy "học ăn" đầu tiên, rồi mới tới học nói, học gói, học mở...


Theo Báo Đại Đoàn Kết