Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi con nói hỗn


Chị Hằng Nga ở Q.1, TP.HCM tâm sự: "Con bé nhà tôi mới sáu tuổi mà cha mẹ nói gì chưa kịp hiểu đã cãi lại. Thậm chí khi không vừa ý, cháu còn vùng vằng, hậm hực, nói những câu hỗn hào rồi bỏ vào phòng, đóng kín cửa. Cả nhà tôi ai cũng nghĩ cách uốn nắn bé, nhưng tất cả đều bế tắc. Buông xuôi thì sợ con mai này hư hỏng, mà dạy dỗ thì chưa có cách nào "nói lọt" cho bé nghe".

Không ít bậc cha mẹ bày tỏ thái độ bực bội khi rơi vào tình huống bị con cãi hỗn. Tuy nhiên, để trẻ khắc phục thái độ thiếu lễ phép đó, không phải phụ huynh nào cũng có biện pháp hiệu quả.

Nói năng hỗn xược với người lớn là hành vi rất thường gặp ở trẻ. Cha mẹ là người gần gũi, quan tâm đến trẻ nhiều nhất, do đó, bạn đừng tránh né, bỏ qua hay chịu đựng. Hãy giúp trẻ kỹ năng ứng xử hợp lý để trẻ vừa "tâm phục, khẩu phục", vừa nhận ra điều sai mà thay đổi cho phù hợp.

Nói cho con biết cảm giác của mình. Khi trẻ có những lời nói thiếu lễ phép, cha mẹ hãy gọi trẻ đến trước mặt, yêu cầu trẻ nhìn thẳng vào mắt mình, giải thích cho con hiểu sự xấc xược và nói bậy sẽ gây tổn thương cho người khác. Sau đó, bình tĩnh và nghiêm khắc nói với trẻ rằng: "Vừa rồi con nói như vậy là không lễ phép, ba/mẹ thấy rất buồn. Sau này con không được nói như thế nữa nhé!".

Phải để trẻ hiểu rằng cha mẹ tôn trọng trẻ. Bản thân cha mẹ cũng phải tôn trọng trẻ, không dùng cách giáo dục trẻ thô bạo. Nên nhớ rằng, là con người ai cũng có thể nổi giận. Trẻ em không là ngoại lệ, nhất là khi khả năng kiềm chế của các bé còn hạn chế. Đặc biệt, trẻ có thể nổi giận, nói hỗn khi cảm thấy thất vọng và bị lãng quên. Cảm xúc này thường qua mau nếu bé nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ và người thân. Cho nên, dù phê bình trẻ cũng phải dùng những lời lẽ nhã nhặn, ôn tồn. Điều quan trọng là phải chỉ ra cho trẻ biết sai ở chỗ nào. Không nên dùng những lời lẽ thô lỗ, nhiếc móc, không nên dùng đòn roi để răn đe. Làm vậy, trẻ sẽ càng thêm bướng bỉnh, lì lợm.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải nói những câu lịch sự, không được dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để nói chuyện với con, cũng không nên đùa những câu ác ý làm tổn thương con. Cha mẹ phải gương mẫu mọi lúc, mọi nơi.

Cho con cơ hội sửa sai. "Mẹ đã nghe con nói những điều không hay lắm, con hãy sửa lại câu nói đó sao cho lịch sự nhé!". Đối đáp, tranh luận với trẻ lúc chúng tỏ ra xấc xược chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu bạn bỏ qua lúc trẻ tỏ ra hỗn láo cũng không được. Để cho con qua cơn nóng giận, bạn hãy đến với con như một người bạn, sẵn sàng nghe con tâm sự những khó khăn của mình. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh, giúp tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Nhắc nhở cho trẻ biết rằng, dùng những lời lẽ hỗn xược không những không giải quyết được vấn đề, mà có khi còn làm cho sự việc xảy ra nghiêm trọng hơn, xúc phạm người khác sẽ làm cho mối quan hệ ngày càng rối ren, phức tạp.

Dạy con bình tĩnh để diễn đạt ý mình muốn nói. Thường thì trẻ nói năng khó nghe là vì không biết cách bộc lộ một cách hợp lý, chính xác điều mình muốn nói. Vì vậy, cha mẹ cần giúp con học cách trình bày ý kiến bằng một thái độ bình tĩnh. Chẳng hạn như, "Con muốn nói rằng mẹ có điều gì đó chưa đúng phải không?", "Con có điều gì oan ức à? Nói đi thì mẹ mới hiểu được chứ"... Những câu hỏi này giúp bạn nắm bắt tâm lý trẻ tốt hơn cũng như khuyến khích, định hướng trẻ có những suy nghĩ, nhận định đúng đắn về cách ứng xử với mọi người trong cuộc sống hàng ngày.

 

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Theo Phunuonline.com