Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bạn đã sẵn sàng để có bé yêu chưa.



Để bé yêu chào đời trong điều kiện tốt nhất, bạn cần chuẩn bị một số điều trước khi mang thai. Làm mẹ không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là giai đoạn thử thách của cuộc đời.

Muốn "thiên thần" của mình thông minh, khỏe mạnh, bạn cần chăm sóc bản thân và chuẩn bị mọi thứ ngay từ khi chưa mang thai. Hãy kiểm tra 3 yếu tố dưới đây xem bạn đã sẵn sàng để có em bé chưa nhé.

Điều chỉnh lối sống hiện tại

- Nếu bạn hoặc ông xã đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, hãy chuyển công tác hoặc thay đổi chỗ làm trước khi quyết định có con.

- Stress, chấn động tâm lý có thể tác động đến khả năng thụ thai. Để ngăn điều này, bạn cần tập thể dục đều đặn hoặc gặp chuyên viên tâm lý nếu căng thẳng quá mức. Thiền và yoga là 2 sự lựa chọn tốt, giúp bạn thư giãn tinh thần.

- Thói quen hút thuốc, uống rượu đều ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Bạn nên ngừng "nạp" các chất độc hại này trước khi muốn có con. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ hút thuốc thường cho ra đời những đứa trẻ nhẹ cân.

- Tránh sử dụng các loại thuốc nếu dự định có em bé. Trong trường hợp cần thiết, bạn hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Nên áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng trước khi bạn quyết định có thai từ 2-3 tháng. Các loại thực phẩm thích hợp cho giai đoạn này bao gồm rau xanh, đậu và trái cây như cam, quýt...

Quan tâm đến sức khỏe

- Tập thể dục và ổn định cân nặng là điều quan trọng trước khi thụ thai. Việc thừa cân có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp, tiểu đường... ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

- Điều trị dứt điểm những bệnh lý mắc phải và tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm thụ thai. Đặc biệt thận trọng khi vợ chồng mắc bệnh di truyền.

Bác sĩ khuyên các ông bố bà mẹ tương lai nên đi khám tổng quát trước khi muốn có con. Công đoạn này giúp phát hiện những căn bệnh tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi để có hướng điều trị kịp thời.

Hoạt động "hỗ trợ"

- Nếu muốn sinh con, bạn không nên dùng thuốc bôi trơn khi "gần gũi". Tránh sử dụng tampon khi đến tháng và nhớ tăng năng suất "làm việc". Sau khi hoàn thành "sứ mệnh", hãy thư giãn theo tư thế cúi thấp người và nâng hông lên cao.

Ngoài ra, cần trang bị cho ông xã những chiếc quần thoải mái để tăng sức khỏe của "tinh binh". Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn thời gian tốt nhất cho việc thụ thai.

- "Đèn đỏ" là điểm báo quan trọng cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có những dấu hiệu như chu kỳ không đều, đau bụng dữ dội, chất nhờn có mùi hôi...

Nếu thấy đau khi "thăng hoa" và tình trạng này ngày càng tăng, có thể xương chậu của bạn gặp vấn đề. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh nở.

- Lưu ý cuối cùng: Nên sinh con trong độ tuổi 22-26 vì nguy cơ sẩy thai tăng dần theo tuổi, đặc biệt khi bạn bước qua tuổi 40.

Khi người mẹ lớn tuổi, chất lượng trứng và những bệnh lý như xơ hóa dạ con, tim mạch, tiểu đường... góp phần gia tăng nguy cơ xảy thai. Ngoài ra, họ còn phải đối diện với các nguy cơ khác như: hội chứng Down, sinh non...

Sinh con vuông tròn là kỳ công của người mẹ. Hãy chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt trước khi mang thai để bé yêu thông minh và khỏe mạnh.

(Theo Tiếp thị & Gia đình)