Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dùng thuốc tim mạch ở phụ nữ cho con bú.


Tăng huyết áp và nhiều bệnh tim mạch khác đều có thể xảy ra ở phụ nữ cho con bú, nhất là trong giai đoạn sau đẻ. Sử dụng thuốc để hạ huyết áp và điều trị các bệnh tim mạch cần bảo đảm cả tính hiệu quả đối với người mẹ và tính an toàn đối với con của họ.

 Trong số các thuốc tim mạch và hạ huyết áp, nhóm chẹn kênh canxi (nifedipin, amlodipin, varapamil, diltiazem), lợi tiểu (như furosemid) và ức chế men chuyển (captopril, enalapril) ít được bài tiết qua sữa và do đó được coi là an toàn đối với những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ.

Ngược lại, amiodaron và một số thuốc chẹn bêta giao cảm có nồng độ khá cao trong sữa và do đó cần được dùng hết sức thận trọng ở những phụ nữ đang cho con bú. Atenolol, nadolol, sotalol và acebutonlol là những thuốc chẹn bêta giao cảm được đào thải chủ yếu qua thận, khi được bài tiết qua sữa, các thuốc này có thể được tích luỹ và gây độc cho trẻ do chức năng thận của trẻ còn chưa phát triển hoàn chỉnh.

Lượng thuốc mà trẻ phải tiếp nhận qua sữa mẹ có thể đạt 10-25% liều điều trị tương ứng với cân nặng của trẻ. Sự tích luỹ các thuốc này ở trẻ có thể gây nhịp tim chậm và tụt huyết áp. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng gây độc của thuốc chẹn bêta giao cảm đối với những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ.

Nồng độ amiodaron trong sữa mẹ khá cao và do đó dễ hấp thu vào cơ thể trẻ. Theo một nghiên cứu, nồng độ thuốc trong máu của trẻ bằng khoảng 25% trong máu của mẹ và lượng thuốc trẻ phải tiếp nhận qua sữa trong 6-9 tuần đầu bằng khoảng 20-30% liều điều trị tương ứng với cân nặng của trẻ.

Tác dụng phụ của amiodaron ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ là gây nhịp tim chậm và ngộ độc tuyến giáp. Do đó, nếu người mẹ bắt buộc phải sử dụng thuốc này trong thời gian cho con bú, cần theo dõi chặt chẽ nồng độ thuốc trong máu, nhịp tim và chức năng tuyến giáp của trẻ.

Theo BS. Nguyễn Như Ý