Phụ nữ mang thai và thuốc bổ đông y. Có người cho rằng, thuốc bổ Đông y rất “lành” nên có thể dùng cho bất kỳ ai, kể cả thai phụ. Nhưng lại có người nghĩ nếu dùng Đông dược dưỡng thai thì da dẻ đứa con sẽ bị đen đúa hoặc thai nhi phát triển quá to, gây khó khăn khi sinh nở. Ngoài việc ăn uống đủ về lượng và tốt về chất, tâm lý chung của các thai phụ là rất muốn được bồi bổ thêm bằng thuốc, trong đó có các thuốc bổ của y học cổ truyền. Xung quanh vấn đề này có hai quan điểm trái ngược nhau. Có người cho rằng, thuốc bổ Đông y không độc hại nên có thể yên tâm sử dụng. Lại có người cho rằng, các loại thuốc dưỡng thai Đông y chỉ là một mớ “hổ lốn”, chẳng biết có những chất gì độc hại bên trong, lại chỉ được dùng theo kinh nghiệm nên không thể tin cậy được. Thậm chí có người còn sợ dùng Đông dược dưỡng thai thì da trẻ sẽ đen, hoặc thai nhi phát triển quá lớn. Các quan điểm trên dẫn đến hai khuynh hướng: hoặc lạm dụng hoặc phủ định triệt để. Vậy, rốt cuộc phụ nữ mang thai có nên dùng thuốc bổ Đông y không? Trước hết, cần phải nói ngay rằng, quan niệm về thuốc bổ và liệu pháp bồi bổ của y học cổ truyền có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt so với y học hiện đại. Theo cổ nhân, không có thứ thuốc nào không độc, thuốc nào cũng có vài ba phần độc hại, kể cả thuốc bổ. Vậy nên, việc dùng thuốc bổ nói chung phải được xem xét một cách thận trọng và tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đặc biệt đối với thai phụ, những người mà Đông y luôn đặt trong tình thế “gái chửa là cửa mả”. Cũng vì thế, các dược thư cổ luôn ghi rõ những vị thuốc cấm dùng cho phụ nữ có thai, trong đó có cả những vị thuốc thuộc nhóm bổ dưỡng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Đông y tuyệt đối không dùng thuốc bổ cho thai phụ, mà trái lại, trong một phạm vi nào đó, liệu pháp này còn được khuyến khích vì những lý do sau đây: Có thể bạn chưa biết Trong thai kỳ, người mẹ rất dễ mắc một số bệnh như ốm nghén, phù, đi tiểu khó, động thai, băng huyết, trụy thai (sẩy thai, đẻ non), tử giãn (sản giật)... Theo Đông y, nguyên nhân của các chứng bệnh này, ngoài yếu tố tà khí (tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập) còn có vai trò của chính khí (sức đề kháng suy giảm do công năng hoạt động của các tạng phủ bị rối loạn). Ví như, trong chứng ốm nghén, ngoài nguyên nhân do hàn tà xâm nhập, ăn uống không hợp lý... thì vấn đề tỳ vị hư yếu có vai trò rất quan trọng. Hay như, các chứng bệnh phù, thai động, trụy thai... phần lớn là do khí huyết hư nhược, công năng của các tạng tỳ, thận suy giảm. Bởi vậy, đối với thai phụ, ngoài việc bồi bổ ăn uống (thực dưỡng), vấn đề dùng Đông dược để dưỡng thai (dược dưỡng) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc dự phòng tích cực và điều trị hiệu quả các chứng bệnh có thể phát sinh. Theo quan niệm của y học cổ truyền, "bổ" có nghĩa là bù đắp, bổ sung những gì mà cơ thể đang thiếu. Âm hư thì bổ âm, dương hư thì bổ dương, tâm huyết hư thì bổ tâm huyết, tỳ khí hư thì bổ tỳ khí... Nghĩa là phần nào, bộ phận nào của nhân thể hư thiếu, sút kém thì phải bằng mọi cách bồi phụ cho đầy đủ để lập lại và duy trì thế cân bằng động cho cơ thể. Xét cho cùng, theo Đông y, con người ta không khi nào không phải tiến hành bồi bổ. Mỗi ngày ăn cơm ba bữa cũng chính là phương thức bồi bổ cơ bản nhất. Bởi thế, việc dùng thuốc Đông y cho thai phụ là điều nên làm. Tuy nhiên, phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: Không nên lạm dụng Cần biện chứng mà bồi bổ: Nghĩa là phải căn cứ vào đặc điểm sinh lý và bệnh lý cụ thể của từng thai phụ mà tiến hành lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc và phương thức bổ dưỡng cho phù hợp. Nói như cổ nhân là phải tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy lúc mà dùng. Nên bồi bổ bằng thức ăn trước: Nếu không có hiệu quả mới dùng thuốc. Nếu có dùng thuốc thì trước hết nên trọng dụng các “món ăn - bài thuốc” vì đây là phương thức bồi bổ đơn giản, có hiệu quả, dễ dùng, dễ chế và dễ được thai phụ chấp nhận. Cuối cùng, để việc bồi bổ bằng Đông dược cho phụ nữ mang thai có hiệu quả cao nhất và tránh được các tác dụng không mong muốn, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đã nói ở trên, nhất thiết phải có sự thăm khám, chỉ định và hướng dẫn sử dụng tỉ mỉ của các thầy thuốc có chuyên khoa. Theo SK&ĐS |