Theo dự thảo chương trình nâng cao thể lực tầm vóc trẻ Việt Nam, học sinh mẫu giáo và tiểu học ở 63 huyện nghèo được uống sữa miễn phí từ năm 2014.
"Sữa học đường" - chương trình nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc trẻ Việt Nam
Bộ Y tế vừa có dự thảo trình Chính phủ thực hiện chương trình mang tên "sữa học đường" nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc trẻ em Việt Nam.
Theo dự thảo, Bộ Y tế đề nghị cho toàn bộ học sinh mẫu giáo và tiểu học ở 63 huyện nghèo trong toàn quốc uống sữa miễn phí từ 2014, đến 2016 mở rộng ra 50% số trường mẫu giáo và tiểu học trên toàn quốc.
Kinh phí để triển khai chương trình khi mở rộng sẽ do cả ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, cha mẹ các cháu và hãng sữa đóng góp.
Theo đề nghị này, Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện chương trình sữa học đường.
Trong đó có nghiên cứu các sản phẩm sữa đa dạng, phù hợp vùng miền, lứa tuổi của trẻ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và an toàn kho chứa sữa, cung ứng đủ sữa cho trẻ em kết hợp với đánh giá hiệu quả chương trình.
Tỉnh Bắc Ninh vừa là tỉnh miền Bắc đầu tiên triển khai chương trình sữa học đường trên phạm vi toàn tỉnh từ năm học 2014-2015, với kinh phí 178 tỷ đồng trong vòng 5 năm, trong đó toàn bộ trẻ em từ 6 tháng - 6 tuổi (hơn 70 ngàn bé) được uống sữa miễn phí 3 lần/tuần.
Tại khu vực phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là hai địa phương đã triển khai chương trình sữa học đường.
Theo ông Trần Văn Túy, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, lý do Bắc Ninh quyết định triển khai sớm chương trình là tầm vóc của thanh niên Bắc Ninh thấp hơn hẳn so với các tỉnh lân cận, tỉnh muốn xây dựng đội bóng chuyền nữ nhưng không tìm được bất kỳ vận động viên nào.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đang phát triển mạnh về kinh tế và đang muốn chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhu cầu nhân lực tương lai của địa phương.
Theo TT