Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Anh nuôi trường em là thầy hiệu trưởng


Trên đỉnh cao chót vót của ngọn Ngọc Linh, thầy cô phải dựng nhà cho học trò ở, nấu cơm cho trò ăn, tắm rửa, chăm sóc y tế.


Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hùng nấu nướng và dọn cơm cho học trò của mình ăn buổi trưa - Ảnh: Tấn Vũ


​Thầy hiệu trưởng phải làm anh nuôi, vừa là phụ hồ, kiêm luôn người giúp việc...

Tháng 9, những cơn mưa rừng xối xả khiến đường lên Trường tiểu học Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) ngập ngụa trong bùn đất. Trường tiểu học Ngọc Linh nằm vắt vẻo trên một ngọn đồi, lẩn khuất trong những màn mây và sương núi.


Dẫn em đến trường...

Lớp học của thầy Bùi Văn Bộ có hơn 30 học sinh đang đánh vần râm ran bài học. Giữa lớp có hai em bé chừng 2 tuổi đang ngủ say giấc, mặc cho tiếng đánh vần, tiếng đọc bài, tiếng hát bi bô hỗn tạp xung quanh.


Thầy Bộ cho biết ở đây việc dạy và học là cả một quá trình gian nan, cơ cực. Cách TP Tam Kỳ, Quảng Nam gần 200km đường núi, trường lại nằm ở ngọn núi cao chót vót, 100% là người đồng bào Xê Đăng nên riêng việc động viên con em đến trường đã khó, chưa nói đến chuyện ăn ở.


"Để động viên các em đến lớp, các thầy cô phải lặn lội từ bản này qua nóc nọ cách xa cả một buổi đường. Đến buổi tối, ở lại cùng phụ huynh để thuyết phục họ biết lợi ích cho con đến trường thì họ mới cho con đi học. Có nhà phải mang trầu rượu đến mới nói chuyện được" - thầy Bộ kể.


Giáo viên nam còn dễ dàng đi lại giữa rừng, cô giáo Trần Thị Liễu kể chuyện trần ai của việc đi vận động học trò: "Những con dốc cao đến độ người đi sau không khéo là dính ngay gót giày của người đi trước. Có những vực thẳm cheo leo phải cắn răng vượt qua. Bò húc, nước suối, cơm đùm cơm gói đôi lúc em vứt sạch... vì quá mệt khi leo dốc".


Thầy Bộ cho hay để vận động được học trò đến lớp, nhà trường và giáo viên phải nuôi luôn em nhỏ của học trò đó. Hai em bé ngủ gật trong lớp học là điển hình.


Em Hồ Thị Huyền, lớp 5/1 của trường, ngày nào cũng mang em ruột Hồ Văn Nam 2 tuổi đến lớp. Nam ngồi ngơ ngác, thích thì chơi, buồn thì ngủ trên bàn gần chỗ chị học, kết thúc buổi học chị cõng em về.


Thầy Lê Viết Ngọc - hiệu phó Trường tiểu học Ngọc Linh, quê Thái Bình - lên đây dạy đã 17 năm. Cùng với những đồng nghiệp nam khác, mỗi năm khi chuẩn bị nhập học thầy Ngọc đều phải vác rựa vào rừng chặt nứa, cưa cây dựng lều cho học sinh nội trú.


Những căn lều khá kiên cố, có sàn cách mặt đất nửa mét để các em ngủ, vừa tránh được rắn rết, côn trùng. Vách gỗ có hẳn kệ sách vở và giá treo quần áo cho các em.


"Đợi xin một cái giường 500.000-700.000 đồng thì bao giờ mới có. Mình lo trước cho các em thì yên tâm hơn" - thầy Ngọc nói.


Đầu bếp là hiệu trưởng

Nhà ăn của trường cho 150 học sinh và 37 cán bộ, giáo viên là căn nhà tôn nóng hầm hập. Gần 12g trưa, thầy Nguyễn Thanh Hùng - hiệu trưởng nhà trường - xắn tay áo kê từng chiếc bàn để dọn cơm cho học trò. Một tay thầy chia đều các món ăn buổi trưa gồm rau rừng luộc, canh và cá nục kho.


Kéo áo quẹt mồ hôi trán, thầy Hùng tâm sự: "Mới đầu mùa mưa nên còn đỡ. Khi mùa đông bắt đầu có lúc hai tháng trời không về được dưới xuôi đi chợ. Việc ăn uống rất kham khổ. Heo gà phải mua dự trữ có khi bị hụt. Mình có thể thiếu đói nhưng học trò thì phải no".


Khẩu phần ăn của các em được thầy cô chia đều nhau. Bàn ăn của thầy cô bên cạnh cũng dùng chung chừng đó thức ăn với học trò, không phân biệt. Khác nhau trong mâm là ớt trên bàn thầy cô nhiều hơn học trò.


Mấy em nhỏ theo chị ngồi vào bàn ăn được thầy xới thêm cơm và chia lại thức ăn. Chị đút cho em ăn trước rồi tự mình ăn sau. Ăn xong các em mang bát ra suối tự rửa sạch và để vào chỗ cũ.


"Thêm trẻ em thì thêm chén đũa thôi. Cơm không thiếu. Chiều thứ hai, hoặc sáng thứ sáu có phụ huynh ra dẫn các em về nhà nghỉ cuối tuần còn ăn chung với các em rồi về. Có phụ huynh bảo các cháu đi học, mập ra, tăng cân vì no bụng mình rất vui" - thầy Hùng hồ hởi nói.


Giữa rừng núi lo cho 150 học sinh cái ăn, ở, dạy học đã khó, việc thuốc men đau ốm của các em cũng khiến các thầy cô rất đau đầu. Trường thì có y tế, nhưng để các em khỏi ốm đau hằng đêm thầy cô phải đi từng phòng ngủ kiểm tra việc treo mùng.


Mùa đông sương muối đặc quánh, chăn các em không đủ, các thầy cô lại nhường những tấm đắp cho học trò. Thầy Hùng cho biết chủ nhật hằng tuần trường thường tổ chức khám bệnh cho các em. Khi đó không những học sinh mà ba mẹ các em cũng nghỉ đi rừng để xuống đây khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.


"Tôi xin ý kiến phụ huynh, UBND xã mua bảo hiểm y tế cho các em hết. Mình chăm sóc tốt sức khỏe các em thì mới thu hút học sinh đến trường mà phụ huynh cũng an tâm. Mong muốn của tôi đến lúc nào đó, nhà trường là môi trường tốt đẹp để thu hút học sinh đến học mà thầy cô không còn đi vận động" - thầy Hùng chia sẻ.


Ngày chủ nhật của thầy cô ở đây thường là những ngày vào rừng đốn củi. Việc nấu ăn cho gần 200 con người, khi không có điện, tìm củi là việc hết sức khó khăn, nhất là mùa mưa bão.


Thầy hiệu trưởng đôi khi kê chiếc ghế ra giữa sân trường để cắt tóc cho các em nhỏ. Bé gái cắt trước, bé trai cắt sau, các em học sinh với mái tóc vàng hoe vì nắng đứng xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt mình được thầy cắt tóc. Con suối trước mặt trường là nơi tắm rửa, vệ sinh cho hơn 150 học sinh bán trú và các thầy cô.


"Những hôm khe nước khô cạn, các em phải chia nhau đến từng nhà người dân xung quanh xin nước tắm. Thầy cô lại chia nhau gánh nước về để nấu nướng và vệ sinh cho học trò" - thầy Hùng tiết lộ.


Ước mơ cho một mùa đông

Hôm chúng tôi đến gạo trong kho nhà trường còn hơn 4 tấn đủ ăn hết mùa mưa. Cái đói không lo nhưng mong mỏi lớn nhất của nhà trường là có chỗ trú ngụ vững chãi hơn, ấm cúng hơn cho các em trong mùa đông tới.


"Ngọc Linh cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Mùa đông lạnh 7-10oC. Tôi mơ ước có căn nhà bán trú thật ấm cúng, gió không lùa, sương muối không chen vào giấc ngủ các em" - thầy Hùng bộc bạch cùng chúng tôi rồi mang xẻng ra trộn hồ, tự tay cắt gạch xây nhà vệ sinh cho các em nhỏ.


Sau buổi tối, tới giờ ngủ tôi chỉ cần đi quanh nhà hô "cui - cui - cui" (tiếng địa phương là ngủ), lập tức các em kéo chăn nằm ngủ ngoan đến sáng. Để dạy được các em tôi phải học tiếng Xê Đăng gần 17 năm để nghe các em nói, nghe phụ huynh tâm sự. Mình yêu trò thì các em mới quý lớp, quý trường mà đi học. Thầy Nguyễn Thanh Hùng


Theo TT