Mẹ Việt tập cho con ăn ngoan thành công theo kiểu Mỹ Kẩm Nhung, tác giả cuốn sách "Con là khách quý" đã tập cho con mình ăn ngoan thành công theo kiểu Mỹ. Tôn trọng trẻ trong từng bữa ăn Mang thai và sinh con trong thời gian ở Mỹ, Kẩm Nhung đã quan sát tỉ mỉ những nét ưu việt trong cách người Mỹ nuôi dạy con nhỏ. Đặc biệt là cách cho con ăn. Người Mỹ rất tôn trọng con, cho con ăn theo sở thích và không hề ép khi con không muốn. Chị chia sẻ: "Ở Mỹ, trẻ em là một phần trong bữa cơm gia đình chứ không phải là trung tâm của bữa ăn. Bố mẹ vẫn nói chuyện với nhau chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc cho con ăn". Đứa trẻ sẽ ăn cùng bữa với bố mẹ của chúng chứ không phải cho trẻ ăn trước, người lớn ăn sau. Trẻ từ 8 tháng tuổi đã được bố mẹ tập ăn bốc thức ăn và từ bỏ dần việc ăn bột, cháo. Các bà mẹ Mỹ thường cố gắng nấu món con có thể ăn được và nấu nhiều món trong một bữa ăn để trẻ có thể lựa chọn món chúng thích. Trẻ sẽ được đặt vào ghế ăn riêng dành cho chúng, thức ăn được bày trước mặt để chúng tự xúc, bốc ăn chứ không cần bố mẹ bón. Kẩm Nhung ấn tượng nhất là bà mẹ người Mỹ tên Karen, người cô quen và hay gặp. Bà mẹ Karen tập cho con ăn bốc từ khi bé 8 tháng tuổi, vì thế ở 14 tháng tuổi, cô bé Sophie đã biết tự xúc, ngồi vào ghế ăn rất ngoan ngoãn. Món nào cô bé thích sẽ ăn hết, món nào không thích cô bé để lại, mẹ Karen sẽ bảo: "Con không muốn ăn à, Không sao". "Tôi để ý với mỗi món, Karen chỉ đưa một ít vào bát đủ để Sophie ăn chứ không xúc thật nhiều. Karen nói "Sophie nhìn thấy bát vừa vừa như vậy sẽ thích ăn hơn, và nếu ăn hết thì cười tươi vì cảm thấy thành công", chị Nhung kể lại. Một ngày, bà mẹ Mỹ này cho con ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ. Nếu một bữa ăn ít (vì không thích ăn, mệt, chán, không có món ưa thích) thì đến bữa sau bé đói sẽ ăn rất mạnh. Trong một bữa, người mẹ giới hạn thời gian cho con ăn không quá 30 phút, sau 30 phút kể cả bé ăn chưa được nhiều, mà không chịu ăn những món đã nấu thì mẹ cũng sẽ không nấu món khác. Vì bé cần quen với việc ăn những món có trên bàn chứ không đòi hỏi. Theo bà mẹ người Mỹ này, bố mẹ chính là người chịu trách nhiệm về việc cho con ăn gì, ăn ở đâu, khi nào. Còn con là người quyết định về việc ăn như thế nào, ăn bao nhiêu, có ăn hay không. Khi bố mẹ pha trò cho con ăn, xúc hộ con, làm các việc chiều theo ý con để con ăn thì ngay lập tức con "nhiễm" các thói xấu này và trở nên đòi hỏi hơn, ăn uống càng khó khăn hơn, và bữa cơm gia đình trở nên nặng nề. Đứa trẻ dường như hiểu rất nhanh rằng việc nó ăn là rất quan trọng đối với bố mẹ, là "việc" của bố mẹ nên thay vì tập trung vào việc ăn để giải quyết cơn đói cho bản thân thì nó tập trung vào việc mè nheo, đòi hỏi. "Tôi thấy cách cho con ăn theo kiểu Mỹ ngoài việc dạy trẻ tự lập từ bé, thì nó còn đáng học tập ở chỗ. Tôn trọng đứa trẻ: quan sát thái độ và điều chỉnh phù hợp với thái độ của trẻ. Cách giao tiếp tốt: Thay vì áp đặt "Con ơi ăn đi ngon lắm" thì hỏi han con xem con có thích ăn không, con có thể chưa biết nói nhưng con biết đáp lại bằng nét mặt, cử chỉ", Kẩm Nhung chia sẻ. Tập cho trẻ tự xúc, bốc ăn từ 8 tháng tuổi Các bà mẹ Mỹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ có thể ngồi không cần dựa, giữ thẳng đầu, có phản xạ nhai, tỏ ra thích thú với việc ăn uống. Lúc đầu các bà mẹ Mỹ sẽ cho con ăn thức ăn nhuyễn, rồi tăng dần độ thô, đến 8 tháng tuổi thì để bé ngồi tự bốc thức ăn. Đến 1 tuổi thì bé ngồi ăn chung thức ăn với gia đình. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, người Mỹ mua cho con một chiếc ghế ăn và đặt con vào đó mỗi khi ăn. Đứa trẻ Mỹ đã hình thành thói quen mỗi khi ăn là ngồi ngay ngắn trên ghế đó. Tư thế ngồi cũng là tư thế ăn khoa học nhất. Khi đứa trẻ biết bốc nhón, tầm 8 tháng tuổi, người Mỹ chuẩn bị thức ăn cho con có thể cầm bốc được. Cách làm này có nhiều lợi ích. Trẻ tập dùng tay, và phát triển kỹ năng vận dụng kết hợp mắt - miệng - tay. Trẻ tự cho mình ăn cũng khiến dịch vị phát ra tự nhiên, khiến trẻ ăn ngon hơn. Họ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc trẻ tập ăn là sẽ bị bẩn, vương vãi. Đặc biệt những lần đầu tự ngồi ăn, trẻ có thể làm rơi đồ ăn xuống đất, quăng thức ăn, bôi thức ăn lên tóc, mặt mũi. Sau khi trẻ ăn xong thì dọn dẹp, lau chùi ghế ăn, sàn và rửa chân tay mặt mũi cho trẻ. Từ 8 tháng tuổi, trẻ em Mỹ đã biết tự ăn, không cần cha mẹ bón.
"Một điều quan trọng mà người lớn cần nhớ là: trẻ biết mình muốn ăn và cần ăn bao nhiêu thức ăn. Các ông bố bà mẹ Việt thường mỗi khi bước vào bữa ăn lại cho rằng con cần ăn hết một lượng nhất định thì mới đủ no. Nhưng đứa trẻ mới là người biết chính xác lúc đó nó muốn ăn không và cần ăn bao nhiêu", chị nói thêm. Trong cuốn sách "Con là khách quý", Kẩm Nhung còn phân tích những cái lợi khi cho con tự ăn, để con ngồi ăn chung với gia đình. Các vấn đề khác như việc cho con ăn vặt, ăn đồ thô sớm, thực đơn các món ăn cho trẻ theo từng độ tuổi cũng được chị chia sẻ rất kỹ. Theo Vietnamnet
|