Hãy cho con đi ngủ lúc mặt trời lặn và thức dậy khi mặt trời mọc Đối với trẻ em, đi ngủ đêm sớm trong khoảng từ 19h-20h và ngủ liền mạch 10-12 tiếng một đêm là rất quan trọng. Ngay từ khi mới sinh, cơ thể trẻ đã được mặc định sinh hoạt theo bản năng động vật là ngủ khi mặt trời lặn (18h-19h) và thức khi mặt trời mọc (6h-7h). Vì vậy, cho trẻ đi ngủ vào lúc 19h được coi là giờ ngủ theo đúng cơ chế sinh học của trẻ. Ngủ vào thời gian đó sẽ giúp bé có giấc ngủ lâu và êm đềm hơn khi bé ngủ quá 20h30. Bé ngủ từ sớm thường sẽ có giấc ngủ dài một đêm hơn những bé ngủ muộn và nếu bé ngủ liền mạch 11-12 tiếng thì bé sẽ có tinh thần sảng khoải và năng lượng dồi dào vào sáng hôm sau. Ngủ sớm còn liên quan đến việc cơ thể trẻ phóng thích ra nhiều hormone tăng trưởng hơn, do trẻ rơi vào giấc ngủ sâu sớm hơn (hormone tăng trưởng chỉ tiết ra mạnh khi trẻ đã ngủ sâu và say). Các nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng việc đi ngủ sớm có lợi cho sức khỏe khi các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn. Đi ngủ sớm cũng giúp cho trí não trẻ phát triển hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cha mẹ chưa hiểu rõ về vai trò của giấc ngủ đối với trẻ. Giấc ngủ ngon đem lại cho trẻ rất nhiều lợi ích về mặt thể chất và trí tuệ. (Ảnh: Thu Hà) Trẻ chơi mệt thì ngủ đêm mới ngon? Nhiều mẹ thường quan niệm cho trẻ ngủ càng muộn thì trẻ sẽ ngủ say và nhiều hơn vào sáng hôm sau hay cho con chơi mệt thì đêm ngủ mới ngon, vậy là đến giờ đáng lẽ phải cho con vào giường thì ông/bà/bố/mẹ lại tìm mọi cách để chơi đùa với trẻ, để trẻ cười thật nhiều, vận động nghịch ngợm càng nhiều càng tốt. Kết quả là con vừa bị kích động mạnh, vừa bị quá giấc nên càng khó ngủ, dẫn đến con đi ngủ muộn hơn và quấy khóc khó chịu. Giấc ngủ ban đêm của con vì thế cũng không chất lượng, con trằn trọc, hay trở mình, có khi còn khóc lóc giữa đêm... Ban ngày con có thể dậy muộn nhưng tổng thời gian ngủ có khi còn ít hơn nếu cho con đi ngủ sớm, chưa kể bé ngủ không ngon giấc nên ngủ dậy cáu gắt, ảnh hưởng đến cả giấc ngủ ngày, khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Lâu dần, việc ngủ đêm trở thành thói quen khó sửa và thời gian ngủ đêm của bé cứ kéo dài mãi dài mãi từ 21h xuống 22h rồi 23h có khi vẫn chưa ngủ. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy thử cách sau: - Thiết lập lại nếp sinh hoạt cho bé dựa trên tháng tuổi của con. - Dần dần đẩy giờ đi ngủ đêm của con lên mỗi ngày 15 phút cho đến khi bé có thể ngủ được vào lúc 18h hoặc 19h. - Không cho bé vận động mạnh, cười đùa quá nhiều trước khi đi ngủ, tốt nhất là làm các hoạt động thư giãn như massage, kể chuyển cho con. - Và điều quan trọng nhất là rèn cho bé TỰ NGỦ càng sớm càng tốt. Hãy tôn trọng giấc ngủ của con, trước hết bằng việc cho con đi ngủ sớm, đúng giờ. (Ảnh: Thu Hà) Con ngủ muộn vì phải chơi với bố mẹ Còn một lý do nữa để bố mẹ muốn kéo dài thời gian đi ngủ của bé là bố mẹ đi làm về muộn nên muốn dành thời gian tối để cả nhà bên nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, theo như Elizabeth Pantly, người xây dựng phương pháp luyện ngủ không nước mắt thì "Tôi hiểu các bạn có thể đi làm về muộn và tối là thời gian duy nhất bạn có thể chơi với con, rằng bạn cần có thời gian được gần con nhưng việc bạn cho con ngủ muộn sẽ làm trẻ mệt mỏi và con sẽ không còn hứng thú để chơi với bạn nữa" . Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy thử: - Với các bé dưới 1.5 tuổi, cho bé đi ngủ sớm từ 18h và bố/mẹ cũng sẽ đi ngủ sớm để có thể thức dậy và chơi với con vào sáng sớm hôm sau. (Vì với bé ngủ được 12 tiếng thì sẽ thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, bạn chắc hẳn cũng còn đến 1 tiếng để chơi với con trước khi phải đi làm). - Với các bé trên 1,5 tuổi, hãy để con cùng tham gia vào công việc nấu nướng cùng với bạn, cùng chuẩn bị bàn ăn, cùng ăn tối, cùng dọn dẹp sau khi ăn xong, đó sẽ là thời gian bạn có thể cùng con vừa chơi, vừa học. - Dành thời gian thực sự chất lượng cho con. Với trẻ thì cho dù bạn chỉ dành được 15 phút cho bé nhưng là thời gian hoàn toàn dành cho bé, quan tâm đến nhu cầu muốn được chia sẻ của bé thì còn đáng quý hơn là bạn dành cho bé 1 tiếng đồng hồ nhưng lại bị phân tâm bởi các thiết bị công nghệ hay công việc nhà. Khoảng thời gian chuẩn bị đi ngủ cũng rất đáng quý khi bố mẹ có thể thay phiên nhau kể chuyện, hát cho bé nghe. Hãy tận dụng mọi thời gian, giờ tắm, giờ ăn, giờ nấu ăn, giờ đưa đón con đi học để trở thành thời gian chất lượng cho con, cùng con chơi và khám phá thế giới. Có cho con đi ngủ sớm hay không là quyền quyết định của riêng từng gia đình. Nhưng nếu bạn là một phụ huynh bận rộn và muốn cho con đi ngủ sớm, thì những gợi ý và chia sẻ trong bài viết này có thể sẽ giúp bạn vững tin hơn với sự lựa chọn của mình. Theo Mẹ Ong Bông / MASK Online
|