UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch "Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi trên địa bàn từ nay cho đến 2020".
Việc thực hiện đại trà nuôi dạy và chăm sóc trẻ mầm non 6-18 tháng tuổi sẽ là tin vui của nhiều phụ huynh, đặc biệt là công nhân - Ảnh: Minh Luân
UBND TP.HCM cũng nêu thực trạng ngành giáo dục mầm non hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về trường lớp, chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ...
Đặc biệt là nhiều trường không có phòng học dành cho trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi; chưa có các trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ 6 tháng. Do thiếu trường lớp, thiếu giáo viên nên hầu như các trường công lập ở thành phố không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi.
Hiện nay, số trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng theo thống kê: 43.130 trẻ; trong đó 286 trẻ đến trường, tỷ lệ: 0,66%. Số trường nhận trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng: 18 trường.
Số trẻ từ 13 tháng đến 18 tháng theo thống kê: 56.464 trẻ; trong đó 2.264 trẻ đến trường, tỷ lệ: 4%. Số trường nhận trẻ từ 13 tháng đến 18 tháng: 120 trường.
Như vậy, số trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi được học tại các cơ sở giáo dục mầm non rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhất là đối tượng con công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo kế hoạch, trong năm học này, TP.HCM sẽ thí điểm ở 8 quận huyện: Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7, quận 12 về công tác nhận chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi (mỗi quận, huyện thí điểm từ 1 đến 2 trường mầm non công lập).
Đến năm học 2015 - 2016, triển khai thực hiện tại 12 quận (thêm 4 quận: quận 9, 11, Gò vấp, Tân Bình).
Đến năm học 2016 - 2017 sẽ thực hiện đại trà tại 24 quận, huyện. Đồng thời ngành giáo dục thành phố sẽ củng cố và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 tháng tuổi.
Đến năm học 2017 - 2018 và các năm tiếp theo, các quận, huyện tập trung mở rộng số trường nhận trẻ và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 tháng tuổi.
Đối tượng ưu tiên là con công nhân lao động, hộ nghèo.
Theo Thanh Niên