Cha mẹ nào mà chả thương con và cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi con có thể phải đối mặt với hiểm nguy. Thế nhưng, ngày nay có không ít phụ huynh nâng niu con mình như công chúa hoàng tử, không để con phải đứt một sợi tóc hay xước một cái móng tay. Sự bao bọc quá mức có thể khiến trẻ nhỏ trở thành "con rối" của cha mẹ, mất đi sự tự do phát triển.
Bao bọc con quá mức
Nhiều cha mẹ không cho phép con cái tự do chạy nhảy vui chơi vì lo sợ chúng có thể bị thương. Mọi trường mẫu giáo đều có khu vực sân chơi cho trẻ nhưng chị Thu Thủy (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) "quán triệt tư tưởng" với cô giáo là không được để cháu nhà mình tự chơi xích đu hay cầu trượt. Mỗi lần bố mẹ tới đón muộn, bé nhà chị lại ngồi thu lu một góc không dám chạy ra nô đùa với các bạn vì sợ mẹ mắng. Biết con buồn vì không được chạy chơi nhưng chị Thủy vẫn kiên quyết: "Cháu nhà mình từ bé đã hay ốm vặt, cho cháu chơi chẳng may hít phải đất cát hay xây xước gì lại ốm thì khổ. Không được chơi ở trường nhưng về nhà cháu lại được chơi thoải mái".
Gần đây, báo chí liên tục đăng tải nhiều vụ việc liên quan đến sơ suất của giáo viên tại các trường mầm non dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều này càng khiến các cha mẹ vốn hay lo xa nay lại thêm bội phần bất an. Hầu hết các trường mầm non tư thục hiện nay đều có lắp camera để cha mẹ có thể theo dõi con trẻ mọi nơi mọi lúc. Tận dụng điều này, nhiều bà mẹ công sở luôn bật sẵn một cửa sổ máy tính để "soi" camera nhà trẻ, và nếu vô tình thấy con biến mất khỏi màn hình hay có dấu hiệu bất thường là lập tức "nháy" ngay cho cô giáo.
Chị Quỳnh Giang - giáo viên tại một trường mầm non chất lượng cao tại Hà Nội cho biết rất mệt mỏi vì nhất cử nhất động đều bị phụ huynh giám sát: "Mỗi ngày mình phải nhận khoảng 15 cuộc "hỏi thăm" của phụ huynh với đủ thứ lý do, khi thì do mình đang đưa bé ra ngoài đi vệ sinh nên phụ huynh soi camera không thấy, khi thì do bé ăn chậm nhưng phụ huynh lại tưởng cô bỏ bê không xúc cho cháu ăn...".
Ở trường là vậy, về đến nhà các bé cũng không được chạy chơi ở ngoài mà chỉ làm bạn với bốn bức tường. Nhiều bé trai vốn thích được chơi đá bóng, được chạy nhảy nhưng đều bị cấm tiệt. Bé Phú Quang (5 tuổi) trong một lần được bà đưa đi dạo qua khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, thấy các bạn tập trượt patin thích quá nên cũng đòi chơi bằng được. Nghe các anh chị hướng dẫn đảm bảo rằng môn này không nguy hiểm, bà cũng mủi lòng cho cháu chơi thử. Đến khi về nhà kể lại thì cả hai bố mẹ đều giãy nảy lên vì "nhỡ cháu sứt đầu mẻ trán thì bà có chịu trách nhiệm được không?".
Để con vừa được vui chơi lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn, nhiều phụ huynh đang có xu hướng đăng ký cho con tham gia các lớp học trong nhà như đàn hát, múa vẽ hay các lớp thể thao bài bản, có độ an toàn cao. Từ giữa tháng 5, Cung thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức chiêu sinh hơn 50 bộ môn thuộc 6 lĩnh vực nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, kỹ thuật công nghệ, giáo dục tổng hợp, thu hút nhiều phụ huynh đăng ký cho con học. Tương tự, tại TP.HCM nhiều Nhà thiếu nhi của quận cũng tổ chức các lớp, trại hè rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các lớp năng khiếu...cho các em. Từ nay đến 30/5, Nhà thiếu nhi TP.HCM (phường 7, quận 3) mở cửa nhiều lớp học đa dạng như võ thuật, cờ vua, thể dục nhịp điệu, múa hiện đại, đàn, hội họa...; chiêu sinh các em trong độ tuổi từ 4-15 .
Có vấp ngã mới biết tự đứng dậy
Quan tâm tới con một cách thái quá không chỉ là hiện tượng xảy ra với các vị phụ huynh ở Việt Nam, mà còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc nuôi dạy con cái trên toàn thế giới. Trong một bài viết mới đây trên trang The Independent, tác giả Susie Mesure đưa ra quan điểm khi bao bọc trẻ quá mức là ta đã ngăn cản sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, chính vì trẻ luôn được bao bọc trong sự chở che của cha mẹ nên khi lớn lên chúng e ngại phải chấp nhận thử thách, hiểm nguy. Bài viết cũng trích dẫn ý kiến của những chuyên gia giáo dục có uy tín.
Peter Gray - tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Boston, tác giả của cuốn sách về nuôi dạy trẻ "Free To Learn" - lo ngại tỷ lệ mắc chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, thậm chí là số vụ tự tử ở trẻ em đang ngày càng tăng cao bởi vì chúng cảm thấy "không có khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình". Nghiên cứu của ông chỉ ra mối liên hệ giữa sự gia tăng trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc và tâm lý với việc chúng bị hạn chế vui chơi: "Nếu ta tước đoạt quyền vui chơi của trẻ, chúng sẽ không thể học được cách vượt qua khó khăn, kiểm soát cuộc sống của mình, nhìn nhận sự vật theo các góc nhìn khác nhau, cũng như không biết cách thỏa hiệp. Sân chơi là môi trường để trẻ biết được rằng chúng không phải là cái rốn của vũ trụ".
Giáo sư David Whitebread của Đại học Cambridge cho rằng bị tước đoạt quyền vui chơi sẽ khiến trẻ mất khả năng tự "điều hòa bản thân" - tức khả năng điều khiển cảm xúc và hành vi. Theo ông, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, hơn nhiều so với việc biết đọc hay biết viết. Ông đưa ra thông điệp: "Điều quan trọng các bậc phụ huynh cần biết là họ phải dành thời gian vui chơi cùng con cái. Khả năng tự điều hòa bản thân là thước đo cho thành công trong cuộc sống sau này của trẻ, chứ không phải kỹ năng đọc hay viết".
Có đứa trẻ nào lớn lên mà không một lần vấp ngã? Mỗi lẫn ngã là mỗi lần trẻ tự đứng dậy và học được cách để không ngã lần nữa. Sự học hỏi đó dần dần sẽ giúp trẻ tự đối mặt được với những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi kén và trở thành con bướm biết bay, hãy để trẻ tự trải nghiệm những vấp ngã để có thể bước ra khỏi vòng tay của gia đình và bay cao, bay xa.
Theo songmoi.vn