Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển các khu công nghiệp: Đừng “bỏ quên”… nhà trẻ!


Việc đảm bảo trường lớp cho con em người lao động, công nhân ở các KCN, KCX, khu đô thị cần phải có kế hoạch và lộ trình, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có cả trách nhiệm của các doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho người lao động an tâm sản xuất.


Thiếu trường mầm non và những hệ lụy
Hình ảnh rất đông các bậc cha mẹ với vẻ mặt căng thẳng tập trung trước các cổng trường mầm non chờ nộp hồ sơ đăng ký chỗ học cho con đã không còn hiếm gặp. Vấn đề đáng lo ngại lại chính từ nguyên nhân trong khi chưa thể có hướng giải quyết tối ưu. Rõ ràng do số lượng trẻ em ra đời ngày càng tăng cao, trong khi xã hội chưa đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho các cháu. Đây cũng là vấn đề thực tế mà xã hội đang phải đối mặt.


Chúng ta cần nhiều hơn nữa các cơ sở giữ trẻ hợp pháp và đảm bảo chất lượng


Trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập và cả tư thục được cấp phép chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thì đương nhiên số trẻ em đến độ tuổi mầm non sẽ phải tìm đến các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân không phép. Và, từ đó không ít hệ lụy cũng xảy đến. Tình trạng bạo hành trẻ em, mất an toàn cho trẻ xảy ra thường xuyên trong suốt thời gian qua.


Vừa đón con ở một nhóm trẻ tư bước ra, chị Vương Thị Hường - công nhân khu chế xuất (KCX) Linh Trung, ngậm ngùi: "Ở đây, trường mầm non cho con công nhân không có. Trường tư còn chưa nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi thì mơ gì vào được trường công khi mà đang quá tải. Nếu không gửi con ở nhóm gia đình thì biết gửi đâu?".


Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Hoài Bắc - công nhân khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, không giấu nổi bức xúc: "Đã nhiều năm chỉ thấy các nhà đầu tư hứa hẹn sẽ xây dựng trường mầm non cho con em chúng tôi. Vậy mà một khu vui chơi đúng nghĩa cho các cháu còn chưa có, chứ mong gì một ngôi trường mầm non đạt tiêu chuẩn!".


Cùng với nỗi bức xúc ấy, đã nhiều lần, nhiều công nhân đã làm đơn tập thể, đề xuất yêu cầu lên Ban quản lý KCN Tân Tạo, phản ánh với tổ chức công đoàn. Thế nhưng, câu trả lời vẫn chỉ là... chờ đợi!


Xuất phát từ nhu cầu thực tế về chỗ học cho con em mình, nhiều gia đình công nhân nghèo đã phải cắn răng gửi con cho các nhóm trẻ gia đình, để rồi cứ nơm nớp những nỗi lo.


Nhiều năm qua, tại khu vực ngã tư Gò Mây, Tân Kỳ Tân Quý, Kênh 19/5 (quận Bình Tân), khu vực Tân Thới Nhất, Hà Huy Giáp (quận 12) đã xuất hiện nhiều hộ gia đình nhận giữ trẻ cho con em công nhân có mức phí khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Còn theo thông tin từ phòng Giáo dục - đào tạo quận Tân Quý cho biết, thì theo thống kê chưa đầy đủ dịp cuối năm 2013, trên địa bàn đã có 121 nhóm trẻ gia đình có phép hoạt động. Tuy nhiên dạng không phép, giữ trẻ kiểu hộ gia đình thì... chưa thể thống kê nổi!


Được biết, từ năm 2008 đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị 03 yêu cầu rõ ràng về việc các KCN, KCX xây trường mầm non cho con em công nhân. Tuy nhiên, sau 5 năm khiển khai thì trong 13 KCN, KCX mới chỉ có 1 trường mầm non tại tầng trệt thuộc khu nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hoạt động. Trong khi đó với gần 270.000 công nhân (khoảng 60 - 70% là nữ) đang làm việc tại các KCN, KCX tại TP. Hồ Chí Minh thì số con em công nhân cần nhà trẻ sẽ ngày càng tăng.


Tìm hướng mở?

Không ngần ngại chỉ ra những bất cập, khó khăn mà ngành giáo dục mầm non đang gặp phải; đồng thời mong muốn Nhà nước cũng như xã hội, nhất là các nhà đầu tư cần quan tâm hơn nữa nhằm tháo gỡ những vướng mắc, cũng là những gì ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ Giáo dục - Đào tạo: Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép. Trong đó, Bắc Ninh có đến 1.190 nhóm, Hải Phòng có 467 nhóm, Hải Dương có 132 nhóm...


Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bổ sung thêm thực trạng này khi trong 10 tỉnh có KCN, KCX được khảo sát năm 2011, thì chỉ có 16,9% KCN, KCX có nhà trẻ mẫu giáo, trong đó, công lập chỉ chiếm 39,9%, tư thục là 60,1%.


Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của những người lao động làm việc tại các KCN, KCX, khu đô thị ở một số tỉnh/thành phố là rất lớn. Việc quy hoạch xây dựng các KCN, KCX lại chưa quan tâm dành đất xây dựng trường mầm non. Trong điều kiện thu nhập còn thấp, phụ huynh thường tìm đến các nhóm lớp tư thục với mức học phí rẻ, thời gian trông giữ trẻ linh hoạt (có thể gửi nửa ngày, cả ngày hoặc qua đêm), gần khu nhà trọ, tiện lợi cho việc đưa đón con... trong số đó có không ít nhóm lớp được mở ra tự phát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động do thiếu các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.


Việc đảm bảo trường lớp cho con em người lao động, công nhân ở các KCN, KCX, khu đô thị cần phải có kế hoạch và lộ trình, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có cả trách nhiệm của các doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho người lao động an tâm sản xuất.


Nhiều chuyên gia giáo dục nêu kiến nghị, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh/thành phố khi phê duyệt hồ sơ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới, KCN và KCX cần quan tâm phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các trường mầm non phục vụ con em công nhân, người lao động tại các KCN. Các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ về quỹ đất để các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, nhà ở, trường học cho con em công nhân theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về quy định KCN, KCX và khu kinh tế.


Theo thoibaonganhang.vn