Trang Grad School Hub mới đây tổng hợp ra danh sách 10 tiến sĩ trẻ nhất thế giới nhằm giúp các bạn trẻ hiện nay không ngừng theo đuổi sự nghiệp "học, học nữa, học mãi".
10. Akshay Venkatesh - 20 tuổi làm tiến sĩ: Akshay Venkatesh - chàng trai người Úc gốc Ấn Độ trở thành tiến sĩ từ khi còn khá trẻ. Năm 1993, khi vừa tròn 11 tuổi, anh đã giành được huy chương đồng Olympic Vật lý quốc tế tại Virginia. Tuy nhiên sau đó, Venkatesh lại quyết định dồn toàn bộ tâm trí vào ôn luyện toán học, nhờ đó mà anh có được hai huy chương Olympic cho môn học này vào năm sau. Anh học xong cấp 3 khi chỉ 13 tuổi là và đã trúng tuyển vào đại học Western Australia, tốt nghiệp với bằng danh dự hạng nhất về môn Toán năm 1997. Tại thời điểm đó, Venkatesh là sinh viên trẻ nhất có được kết quả này. Tiếp tục học tập không ngừng nghỉ, ngay sau đó, anh theo học tiến sĩ tại ĐH Princeton. 20 tuổi, Venkatesh đã có trong tay tấm bằng tiến sĩ và nhanh chóng nhận được nhiều lời mời làm việc. Hiện anh là giáo sư tại ĐH Stanford danh tiếng.
9. Erik Demaine - 20 tuổi làm tiến sĩ: Sinh ra ở Nova Scotia, Canada, Erik Demaine từ nhỏ đã được giáo dục theo một cách hoàn toàn khác biệt. Khi lên 7 tuổi, cha anh - một nghệ sĩ điêu khắc đã cho anh nghỉ học để có thể đi du lịch khắp Bắc Mỹ. 9 tuổi, Demaine chủ yếu tự học tại nhà và thường xuyên lên mạng nghiên cứu về toán học. Ở tuổi 12, mặc dù không có một bảng thành tích, kết quả học tập hay tốt nghiệp ở bất cứ một trường nào song Demaine vẫn được theo học tại ĐH Dalhousie ở Halifax, Nova Scotia và nhận bằng cử nhân khi mới 14 tuổi. Sau đó, anh quyết tâm trở thành tiến sĩ và hoàn thành mục tiêu đó tại ĐH Waterloo trước sinh nhật thứ 21 của mình. Năm 2001, Demaine (20 tuổi) vinh dự khi là giáo sư trẻ nhất tại MIT, chuyên nghiên cứu về các thuật toán cơ bản, tính toán origami, giải mã ngôn ngữ Inca...
8. Charles Homer Haskins - 19 tuổi làm tiến sĩ: Năm 1890, khi mới 19 tuổi, Charles Homer Haskins đã có bằng tiến sĩ tại ĐH Johns Hopkins ở Baltimore. Sau một thời gian giảng dạy tại ĐH Johns Hopkins, Haskins nhanh chóng trở thành giáo sư của ĐH Wisconsin và sau đó tại ĐH Harvard, ông đã tạo ra mô hình giúp cho những người muốn học sau đại học - một chương trình đến nay vẫn còn được sử dụng. Haskins được coi là nhà sử học thời trung cổ đầu tiên ở Mỹ. Đặc biệt, cuốn sách xuất bản năm 1927 - The Renaissance of the Twelfth Century viết dựa trên những kinh nghiệm học tập của ông được đánh giá là rất có giá trị vào thời điểm đó. Haskins cũng từng đóng một vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng đến số phận của nhiều quốc gia. Theo đó, Tổng thống Woodrow Wilson đề cử ông làm thành viên của một cuộc điều tra cáo buộc giải quyết vấn đề lãnh thổ trong bối cảnh Thế chiến I. Bên cạnh đó, Haskins còn là một phần của phái đoàn Hoa Kỳ tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 - nơi ông đã trình bày một giải pháp mà cuối cùng được chấp nhận, giúp đối phó với nhà nước Đức của Saarland.
7. Juliet Beni - 19 làm tiến sĩ: Juliet Beni là cử nhân đại học khi mới 15 tuổi. Năm 2012, lúc 19 tuổi, cô đã nhận được bằng tiến sĩ tâm lý học tại ĐH California, Riverside (UCR) và trở thành sinh viên trẻ nhất đạt được kết quả này trong lịch sử UCR. Từ nhỏ, Beni mong muốn được làm bác sĩ, do đó cô luôn tự giác học tập và nỗ lực không ngừng để có thể cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ y khoa. Phần lớn mọi người tiếp xúc với cô đều nhận xét: "Tôi chưa bao giờ thấy Beni nản lòng hay lười biếng, không cố gắng để đạt được mục tiêu đã đề ra".
6. Sho Yano - 18 tuổi làm tiến sĩ: Sho Yano bắt đầu học đại học lúc mới 9 tuổi sau khi phấn đấu đạt được số điểm SAT 1.500/1.600. Nhiều chuyên gia cho rằng tốt hơn nếu những đứa trẻ thần đồng như Yano được sống đúng với lứa tuổi, không phải học đại học sớm. Song mẹ Yano lại nghĩ khác: "Có người nói tôi điên khi để con như vậy. Nhưng thực tế, nếu con bạn phát triển quá nhanh, bạn không thể bắt con dừng lại. Yano cũng thế, chắc chắn nó sẽ không ngừng học". Yano tốt nghiệp ĐH Chicago Loyola khi anh 12 tuổi. Năm 2009, ở tuổi 18, anh đã nhận được bằng tiến sĩ di truyền phân tử và sinh học tế bào tại ĐH Chicago.
5. Norbert Wiener - 17 tuổi làm tiến sĩ: Năm 1909, mặc dù có được bằng cử nhân toán học tại ĐH Tufts khi 14 tuổi, song Norbert Wiener lại quyết định theo đuổi học vị tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu triết học và động vật học, trước khi trở lại với toán học. Năm 1912, 17 tuổi, Wiener xuất sắc trở thành tiến sĩ toán học logic tại ĐH Harvard nổi tiếng thế giới. Ông từng làm việc như một nhà báo và nghiên cứu về tự động hóa của súng chống máy bay trong Thế chiến II, nhưng lại được biết đến nhiều nhất với công trình tiên phong trong lĩnh vực điều khiển học - liên quan tới thông tin phản hồi và những hậu quả cho các tổ chức xã hội, triết học, kỹ thuật, sinh học và một số lĩnh vực khác.
4. Ruth Lawrence - 17 tuổi làm tiến sĩ: Năm 1985, ở tuổi 13, Ruth Lawrence đã tốt nghiệp ĐH Oxford với bằng cử nhân Toán học. Một năm sau, cô nhận tấm bằng thứ hai về Vật lý. Năm 1989, Lawrence nhận bằng tiến sĩ Toán học khi mới 17. Nghiên cứu tại ĐH Harvard một thời gian, rời tới ĐH Michigan làm việc như một phó giáo sư nhưng Lawrence cuối cùng lại chuyển đến Israel để trở thành giáo sư tại ĐH Hebrew của Jerusalem. Mặc dù có kết quả học tập tốt và rất thành công nhưng cô lại cảm thấy hối tiếc về những gì đã làm và không muốn sau này giáo dục con mình theo cách này. "Tôi biết ơn mọi thứ cha mẹ đã làm cho tôi. Tuy vậy, tôi không thích con tôi phải đối mặt với những áp lực, khó khăn và sự quan tâm quá mức của truyền thông như tôi đã từng" - Lawrence chia sẻ.
3. Balamurali Ambati - 17 tuổi làm tiến sĩ: Bác sĩ nhãn khoa người Mỹ gốc Ấn - Balamurali Ambati biết giài nhiều bài toán khó khi vừa tròn 4 tuổi và là đồng tác giả của một cuốn sách nghiên cứu về AIDS lúc mới lên 11. 13 tuổi, Ambati hoàn thành nghiên cứu của mình tại ĐH New York. Năm 1995, khi 17 tuổi, anh tốt nghiệp trường Mount Sinai (New York) và trở thành bác sĩ trẻ nhất thế giới. Ambati hoàn thành tất cả các khoá đào tạo về y khoa năm tuổi 24 trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Bởi thông thường, các bác sĩ khác chỉ có thể hoàn thành chúng tối thiểu khi họ 30 tuổi. Hiện Ambati hài lòng với công việc của mình. Anh cho biết, nhờ việc kết thúc chương trình học sớm mà anh có thể dành thời gian để trải nghiệm nhiều điều khác trong cuộc sống.
2. Kim Ung-Yong - 15 tuổi làm tiến sĩ: 3 tuổi học đại học, 8 tuổi được mời làm nghiên cứu cho NASA (Mỹ) dường như là điều không tưởng với mọi người song đó lại là trường hợp của Kim Ung-Yong (sinh năm 1963). Thần đồng nhí Hàn Quốc một thời lấy bằng tiến sĩ khi chỉ 15 tuổi và có tên trong sách kỷ lục Guinness nhờ có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Sau 10 năm làm việc cho NASA, Ung-Yong cuối cùng quyết định trở về Hàn Quốc và hiện công tác tại ĐH quốc gia Chungbuk. "Thành công trong học tập không phải là thước đo của một người. Xã hội không nên đánh giá bất cứ ai chỉ dựa trên tiêu chuẩn đó. Bởi mọi người đều có cấp độ học tập, tài năng, giấc mơ khác nhau và chúng ta nên tôn trọng điều đó. Tôi đã từng sống như một cái máy, không thể tự quyết và làm theo những điều mình thích, thậm chí là không có bạn bè, người thân bên cạnh. Đó là lý do tại sao tôi trở về quê hương. Giờ tôi thấy thực sự hạnh phúc" - ông tâm sự. Phóng to
1. Karl Witte - 13 tuổi làm tiến sĩ: Karl Witte (sinh năm 1800) hiện vẫn giữ kỷ lục thế giới khi là người trẻ nhất có bằng tiến sĩ. 9 tuổi, Witte có thể nói 5 thứ tiếng và được trao bằng tiến sĩ Triết học tại ĐH Giessen khi chỉ 13 tuổi. Thần đồng này từng muốn trở thành một luật sư, do đó ông đã đi đến Ý vào năm 1818 để thực hiện mục tiêu của mình. Song vì rất yêu sách nên Witte đã quyết định rẽ hướng khác trong sự nghiệp. Ông say mê những bài thơ của Dante và cuối cùng nhờ nỗ lực không ngừng, ông trở thành một học giả được Dante công nhận.
Nguồn Zing News