Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đáng báo động về chất lượng nuôi trẻ


TPHCM hiện có 497 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 337 trường công lập, 47 trường bán công, 113 trường dân lập, tư thục. Số trường này chỉ đáp ứng được 75% trẻ lứa tuổi mẫu giáo và 20% độ tuổi nhà trẻ. Một số lượng lớn trẻ được gia đình gửi tại các nhóm trẻ gia đình, mẫu giáo không phép. Chất lượng: SOS! Ngôi nhà số 14/26/10 ở phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân chỉ rộng khoảng 40m2, vừa làm phòng học vừa làm phòng sinh hoạt cho 15 trẻ từ 15 tháng tuổi đến 5 tuổi. Mấy cháu khoảng 2 tuổi ngồi bệt dưới nền nhà, cạnh đó có mấy cháu từ 3-5 tuổi ngồi tập viết. Bề ngang nhà bếp chỉ hơn… 1m dùng để nấu ăn cho trẻ và kiêm luôn chức năng nhà vệ sinh. “Cô giáo”- bà H- khoảng 50 tuổi vừa đi chợ về, than thở: “Tui chạy sang nhờ thằng bé hàng xóm trông hộ để đi chợ mua thêm thức ăn cho các cháu”. Bà cho biết hè vừa qua bà nhận trông hơn 30 cháu, chủ yếu là con của các gia đình làm phụ hồ, công nhân, bán vé số, với mức thu 150 nghìnđồng/tháng/cháu, thậm chí có phụ huynh còn trả… theo ngày. Tại nhóm trẻ gia đình Ngọc Ân thuộc khu phố 10, có tới 30 trẻ đủ lứa tuổi. Chị L.T.K, chủ nhóm giữ trẻ cho biết: “Vẫn có nhiều phụ huynh đến hỏi gửi con nhưng tôi chưa dám nhận thêm. Tôi đang tìm một cô giáo để dạy chữ cho các cháu nhưng chưa được, mấy ngày nay ra đăng ký ở Trung tâm giới thiệu việc làm mà không thấy họ báo lại”. Tại phường Bình Hưng Hòa B, một số gia đình còn tận dụng phòng ở chật hẹp để trông trẻ, thậm chí có phòng chỉ rộng khoảng 20m2, trần nhà dây điện chằng chịt, lại thiếu sáng, nóng bức nhưng gia đình nhận giữ tới 10 cháu. Ở quận Gò Vấp, có hơn 50 nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân không phép, trong đó có 9 cơ sở có số lượng trẻ trên 100 cháu như Phương Quỳnh, Hoa Hồng, mẫu giáo Hồng Ngọc, Vành Khuyên… và có nơi lên đến 300 trẻ. Hầu hết sân chơi ở các nơi này rất hẹp, phòng sinh hoạt không đúng quy cách, không hề có rào chắn giữa phòng sinh hoạt và vệ sinh, nền gạch trơn trợt, thậm chí có nơi lấy bô làm ghế ngồi đút cho trẻ ăn… Theo số liệu từ Sở GD - ĐT, trong 5 năm học vừa qua đã có tới 6 trường hợp trẻ tử vong vì tai nạn tại các nhóm trẻ gia đình không phép. Dẹp.. lại mọc Chất lượng nhà trẻ - mẫu giáo tư nhân như vậy, tại sao phụ huynh lại gửi con vào nhà trẻ tư nhân ? Chị N.T.L, gởi con ở nhóm trẻ Ngọc Ân (quận Bình Tân) than: “Cả hai vợ chồng đều là công nhân khu công nghiệp, tăng ca đến tối mới về, không gửi con vào những nơi này thì gửi ở đâu?”. Theo bà Đỗ Thị Giang, Phó trưởng Phòng GD - ĐT quận Bình Tân, tình trạng dân nhập cư gia tăng đã tạo áp lực thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo. Để đáp ứng nhu cầu này, sự ra đời của nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân là tất yếu. Từ đầu năm học đến nay, Bình Tân kiểm tra bước đầu đã thấy có tới 60 nhóm trẻ và mẫu giáo không phép và “nhiều nơi quá tệ về điều kiện nuôi dạy”. Quận, phường đã yêu cầu đóng cửa nhưng “dẹp mấy bữa lại mọc lên”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết: “Đây là nhu cầu có thực của người dân, tuy nhiên đối với loại hình này cần phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu vì ảnh hưởng đến sự phát triển và an toàn của trẻ. Năm học này, Sở sẽ mở rộng việc cấp phép đối với những nơi đáp ứng yêu cầu theo quy định đồng thời có những hỗ trợ cụ thể để động viên họ từng bước nâng cao chất lượng”. Những nơi không đạt yêu cầu tối thiểu, theo bà Thanh, địa phương nên kiên quyết xử lý. Sở kiến nghị UBND TP sớm có văn bản chỉ đạo các quận huyện kiên quyết trong việc xử phạt những nơi vi phạm đồng thời ưu tiên kinh phí để xây dựng trường công lập ở những khu vực dân nghèo. Người dân tham gia xã hội hóa giáo dục là việc cần khuyến khích, song phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu về chất lượng nuôi dạy. Đó là mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh… (Theo SGGP)