Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lồng ghép kể chuyện qua các hoạt động giúp trẻ phát triển ngôn ngữ


Đó là kinh nghiệm của cô Đỗ Thị Thắm - Trường mầm non Vạn Phái (Phổ Yên, Thái Nguyên).


Cô Thắm và các em học sinh trong giờ học với chủ để về ngày thương binh liệt sỹ 27/7


Cô Thắm là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là một trong số ít giáo viên của tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc được tổ chức hồi tháng Năm vừa qua.


Sáng kiến kinh nghiệm của cô Thắm về "phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động kể chuyện" đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn và tuyển tập vào cuốn kỷ yếu "Một số sáng kiến kinh nghiệm" của giáo viên mầm non.


Theo cô Thắm, lồng ghép kể chuyện qua các hoạt động khác giúp trẻ phát triển ngôn ngữ là hình thức học tập rất phong phú và đem lại hiệu quả cao do vậy trong các hoạt động hàng ngày cô luôn tìm cách để lồng ghép và khuyến khích trẻ kể, lắng nghe và ghi nhớ.


Qua hoạt động buổi sáng đón trẻ

Theo cô Thắm, mỗi buổi sáng trẻ đến lớp giáo viên có thể mang đến cho trẻ những câu chuyện thú vị về những hoạt động hàng ngày như câu chuyện "Cả nhà đều làm việc" trong chủ đề gia đình. Qua đó giúp trẻ hiểu thêm về công việc của mỗi người.


Hay như câu chuyện "Qua đường" ở chủ đề giao thông giúp giáo dục trẻ khi đi đường đều phải cẩn thận và chú ý khi tham gia giao thông


Từ những câu chuyện tương tự như trên được kể vào buổi sáng sẽ khuyến khích trẻ đến lớp đều hơn, trẻ ngoan, lế phép, yêu quý bạn bè, cô giáo và mọi người xung quanh hơn.


Đặc biệt qua những câu chuyện đó, giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi, những tình huống để trẻ tư duy và khích lệ trẻ phát biểu suy nghĩ, cảm nhận của mình trước tập thể lớp. Qua mỗi buổi như vậy, khả năng ngôn ngữ phát triển trông thấy.


Trong hoạt động tạo hình và khám phá khoa học

"Với bài "Nặn các loài quả": Trước khi cho trẻ quan sát vật mẫu, tôi kể tóm tắt câu chuyện "Quả bầu tiên" và trò chuyện qua về nội dung câu chuyện để trẻ có thêm kiến thức về loài quả thần kỳ rồi cho trẻ kể tên các loài quả mà trẻ biết" - Cô thắm chia sẻ.


Cũng theo cô Thắm, qua hoạt động khoa học, khi dạy trẻ nhận biết nhóm có 5 đối tượng. Đếm đến 5 và phân biệt số 5. Giáo viên có thể hỏi trẻ trong câu chuyện "Cáo, thỏ và gà trống" có mấy nhân vật, yêu cầu trẻ đếm các nhân vật để gây hứng thú vào bài.


Đồng thời để xuất hiện nhóm đối tượng biểu thị số mới có số lượng 5 là những nhân ngộ nghĩnh trong chuyện. Đây cũng là dịp để trẻ phát triển tư duy về ngôn ngữ.


Qua hoạt động góc và hoạt động buổi chiều

Đây là hoạt động mà trẻ được chơi độc lập tìm tòi sáng tạo. Do vậy trẻ thường rất hứng thú và tự tin tham gia. Tuy nhiên giáo viên có thể khéo léo lồng ghép hoạt động kể chuyện diễn cảm vào góc chơi mà trẻ vẫn không hề thấy nhàm chán mà ngược lại kích thích trẻ mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình.


Ví dụ ở góc nghệ thuật trong một giờ chơi nào đó có thể tổ chức là một buổi đóng kịch, kể lại câu chuyện....


Đối với hoạt động buổi chiều, trong các giờ sinh hoạt, giáo viên có thể ôn luyện kể chuyện diễn cảm những câu chuyện liên quan đến chủ đề câu chuyện sáng hôm đó trẻ học.


Tổ chức thi kể chuyện diễn cảm trong giờ hoạt động tự chọn. Bạn nào thể hiện câu chuyện hay nhất sẽ được cổ vũ động viên để khích thích trẻ bộc lộ khả năng của mình.


Trong khi nghe kể chuyện, kể lại chuyện và trả lời các câu hỏi của cô. Vốn từ của trẻ được tăng lên rất nhiều đồng thời trẻ biết sử dụng các loại câu phong phú và đa dạng. Thông qua hoạt động kể chuyện diễn cảm đã phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật của trẻ.


Thực tế cho thấy, việc áp dụng những kiến thức kinh nghiệm giảng dạy như trên đối với môn kể chuyện qua các giờ học tôi thấy các cháu rất hứng thú, rất thích nghe kể chuyện, trẻ có thể kể lại câu chuyện diễn cảm lưu loát. Thông qua đó mà việc phát triển ngôn ngữ đạt hiệu quả cao.


Theo GD&TĐ