Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên cộng đồng 12 tuổi rưỡi


Tại ngôi làng nghèo xơ xác ở nông thôn của Campuchia, bé Vongsa Phean có một giấc mơ vượt ngoài tầm với của mình, đó là được đến trường và trở thành giáo viên.


Bé Vongsa Phean (phải) lần đầu tiên được gặp nhà tài trợ Wong Yim Kan hôm 24-8-2014 - Ảnh: Reuters


Chìm ngập trong cái nghèo, cái đói triền miên, gia đình sáu thành viên của Vongsa Phean thường phải sống dựa vào nguồn viện trợ của các tổ chức từ thiện, hoặc từ những thứ mà họ có thể nhặt nhạnh được trên đồng ruộng của mình ở huyện Baribour, miền trung Campuchia. Dù đối diện với những bất ổn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống nhưng tất cả học sinh tại đây đều nung nấu ước mơ được đến trường, lên đại học và trở thành một giáo viên để quay về dạy học ở quê hương.


"Em từng có ước mơ nhưng em không hi vọng sẽ thành hiện thực. Em từng muốn trở thành giáo viên để chia sẻ kiến thức của mình cho mọi người để họ cũng có kiến thức như em"- báo South China Morning Post dẫn lời Vongsa Phean tâm sự.


Năm năm trước, cuộc sống của Vongsa Phean đã có sự chuyển biến lớn khi em bắt đầu nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho cuộc sống và việc học hành. Mạnh thường quân Wong Yim Kan ở Hong Kong chính là người đã thông qua quỹ tài trợ dành cho trẻ em thuộc tổ chức phi chính phủ World Vision giúp cho em thực hiện ước mơ "cô giáo" của mình.


Và giờ đây, Vongsa Phean hơn 12 tuổi đã trở thành một "giáo viên tình nguyện" tại trung tâm giáo dục cộng đồng ở huyện Baribour do tổ chức phi lợi nhuận World Vision điều hành. Cứ đều đặn từ 13g-15g hằng ngày, sau giờ học ở trường, cô bé đến trung tâm để dạy những học sinh đồng trang lứa với mình những kiến thức từ toán đến ngôn ngữ Khmer.


Chương trình mà Vongsa Phean tham gia nằm trong kế hoạch phát triển khu vực của tổ chức World Vision dành cho huyện Baribour. Các tình nguyện viên tham gia góp phần cải thiện cuộc sống của những ngôi làng thuần nông ở đây.


Cụ thể, cha mẹ của Vongsa Phean và nhiều dân làng khác được chỉ dạy kỹ thuật làm nông và sử dụng phân bón tự nhiên để tăng năng suất mùa vụ và đảm bảo lương thực cho cuộc sống hằng ngày. Đất đai trên những cánh đồng được cải tạo và những gia đình ở nơi này thoát nghèo bằng cách bán nông sản trồng được, tạo nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.


Ratana Lay, thành viên của World Vision ở Campuchia, cho biết ý tưởng của tổ chức là đào tạo những thành viên cơ động như bé Vongsa Phean để có thể giúp đỡ chính cộng đồng của mình. Theo bà Lay, trước đó người dân ở đây sống gần như phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ bên ngoài nhưng hiện nay tình hình đã khả quan hơn.


"Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được tài trợ đến cùng vì nguồn quỹ có hạn. Nhưng trường hợp của bé Vongsa Phean cho thấy ngay cả một đứa trẻ cũng có thể có ảnh hưởng tích cực đến những người khác. Bé Vongsa Phean là một điển hình. Đây là cách tốt nhất trang bị cho các vùng quê nghèo ở Campuchia những thủ lĩnh ưu tú có kỹ năng trong tương lai như Vongsa Phean" - bà Lay khẳng định.


Theo Tuổi Trẻ