Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đưa dân ca hát Xoan gần hơn với trẻ mầm non


Một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy và bảo tồn di sản văn hóa hát xoan là để loại hình dân ca này đến gần với thế hệ trẻ và cần giáo dục ngay từ bậc học mầm non.

Truyền tình yêu hát Xoan cho các em ngay từ bậc học mầm non


Truyền tình yêu hát Xoan cho trẻ mầm non
Là một giáo viên đang công tác và giảng dạy tại trường mầm non Hoa Hồng thuộc phường Tân Dân (Thành phố Việt Trì, Phú Thọ), cô giáo Hoàng Thanh Nga luôn tự hào và ý thức được trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn loại hình hát xoan.


Cô Nga là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đã vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức hồi tháng Năm.


Theo cô Nga, mặc dù chủ trương đưa đưa hát Xoan vào trường học của ngành Giáo dục thành phố Việt Trì đã tạo nên làn gió mới với hàng loạt các phong trào hoạt động nhưng để tiếp cận với loại hình nghệ thuật này không hề đơn giản.


"Chính vì vậy, muốn cho làn điệu hát Xoan được giữ gìn thì mỗi em bé sinh ra ở Phú Thọ ngay từ khi bập bẹ hát những câu hát đầu tiên ở trường mầm non cũng cần phải được làm quen với làn điệu dân ca của quê hương mình.


Để có được những thế hệ yêu thích hát xoan thì trước hết người giáo viên phải hiểu hát Xoan, yêu hát Xoan và truyền được tình yêu đó cho học sinh" - Cô Nga chia sẻ.


Giúp trẻ yêu thích và hứng thú với hát Xoan
Trên thực tế, những bài dân ca có trong chương trình giáo dục mầm non chủ yếu là dân ca các vùng miền không có bài dân ca Phú Thọ và hát Xoan dành cho các cháu.


Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có những biện pháp cụ thể để mang dân ca đến gần hơn với trẻ, giúp trẻ hứng thú và có lòng yêu thích với tiếng hát dân ca, đặc biệt là làn điệu dân ca của quê hương Phú Thọ.


Theo kinh nghiệm của cô Nga, để dạy trẻ hát Xoan có hiệu quả cũng giống như để thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào khác trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, một điều quan trọng không thể bỏ qua đó là: Giáo viên cần xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể và rõ ràng.


Khi phân chia từng chủ đề cần nghiên cứu xem chủ đề nào là phù hợp nhất để đưa hát xoan vào dạy trẻ ví dụ như: Với chủ đề "Trường mầm non", giáo viên có thể đưa bài Đố bạn, Bé ngoan vâng lời hoặc với chủ đề "Thực vật" thì có thể cho trẻ tập hát bài Trồng bông hoặc là Luống đậu.


Ngoài ra, trong các ngày hội, ngày lễ có thể lựa chọn làn điệu hát Xoan cổ, kết hợp một số làn điệu dân ca Phú Thọ xen lẫn các tiết mục văn nghệ v.v...


"Đối với hát Xoan trong trường mầm non để các bé dễ tiếp thu nhất, cô giáo có thể lựa chọn một làn điệu xoan có giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, dễ nhớ, lối hát đơn giản để biểu diễn hoặc hát cùng trẻ như đã lựa chọn vào kế hoạch năm học, kế hoạch chủ đề.


Ví dụ trong chủ điểm quê hương, đất nước, Tết Nguyên đán, cô giáo có thể dạy trẻ hát, dạy cách gõ trống, gõ phách, múa và những động tác đơn giản... hoặc cô giáo biểu diễn cho trẻ xem.


Bên cạnh đó có thể tổ chức cho trẻ xem hội ở đình làng địa phương để trẻ tiếp cận và hiểu thêm những nét đẹp văn hóa đặc trưng của quê hương mình.


Linh hoạt, sáng tạo trong cách dạy

Từ kế hoạch các chủ đề tôi lựa chọn các hoạt động phù hợp để dạy trẻ hát Xoan một cách hiệu quả nhất.


Tôi lựa chọn những bài hát ngắn phù hợp để dạy trẻ trong hoạt động của một giờ học, cũng như dạy trẻ trong các thời điểm khác trong ngày, trong các ngày hội, ngày lễ của trường" - Cô Nga bộc bạch.


Cũng theo cô Nga, giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa làn điệu hát Xoan vào thực tiễn chương trình giáo dục mầm non. Có thể cải biên một số làn điệu Xoan thành một số bài hát có nội dung và ca từ gần gũi với trẻ.


Ví dụ, với bài hát Đố bạn (dựa theo làn điệu Đố hoa - Dân ca Xoan Phú Thọ), tôi đã cải biên như sau:
- Tôi đố bạn biết bạn nào múa dẻo, ngoan hiền, học giỏi
- Tôi đó bạn biết bạn nào bé nhỏ lại thông minh
- Tôi đố bạn biết bạn nào kể chuyện rất là hay
- Tôi đố bạn biết bạn nào dáng thể thao người trắng hồng, dáng thể thao người trắng hống


Có thể nói, đưa hát Xoan vào các hoạt động của trẻ mầm non không phải chỉ là việc dạy trẻ học thuộc bài mà còn giúp trẻ dần cảm thụ được cái hay, cái đẹp của một làn điệu dân ca truyền thống.


Qua áp dụng một số biện pháp trên cho thấy, số lượng các bài hát được đưa vào dạy trẻ cũng như số trẻ thuộc được nhiều hát tăng lên. Mặt khác tôi thấy trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, tích cực, chủ động hơn và ý thức đi học đều hơn. Chất lượng giáo dục âm nhạc cho trẻ được nâng lên rõ rệt.


Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đưa các hoạt động văn nghệ, trò chơi như: Hát ca dao, kéo co trong các buổi ngoại khóa của các nhà trường. Nhiều địa phương đã triển khai việc học hát Xoan rộng khắc ở các bậc học, từ mầm non đến các trường phổ thông làm cho làn điệu hát xoan thấm vào máu thịt của mỗi người dân đất Tổ.


Thực tế kỹ thuật của trẻ còn hạn chế về giọng, về hơi và âm vực tiết tấu. Ngoài ra, cơ quan phát âm của trẻ chưa thực sự hoàn chỉnh, âm phát ra còn yếu, hơi thở ngắn, nông và đặc biệt sự phối hợp giữa tai nghe và giọng, nhịp, phách chưa thật tốt do vậy cần cải biên lời để dễ nhớ nhanh thuộc. Cô giáo Hoàng Thanh Nga


Theo GD&TĐ