Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường chuẩn quốc gia và bệnh thành tích


Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp, bậc học (mầm non, tiểu học, trung học). Trong đó, các tiêu chí về cơ sở vật chất, giáo viên và tỷ lệ học sinh/lớp học được chú trọng.


Trên cơ sở quy định chung, cũng như nhiều địa phương khác, chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở GD và ÐT Hà Nội công bố kết quả trường chuẩn quốc gia năm học 2013-2014. Theo đó, năm 2013, trên địa bàn Hà Nội có 134 trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu là 127 trường). Dự kiến năm học 2014-2015 ngoài việc tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Sở GD và ÐT Hà Nội còn rà soát và đề nghị UBND thành phố công nhận lại các trường đã được công nhận nhưng quá thời hạn quy định. Với những thành tích "đáng nể", ngành GD và ÐT Hà Nội là một trong số ít địa phương được biểu dương vì có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao trong báo cáo tổng kết năm học của Bộ GD và ÐT.


Con số báo cáo thành tích đạt được thì rất đáng tự hào nhưng thực tế thì không "đẹp" như những gì mà Sở GD và ÐT Hà Nội công bố. Nhiều trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội từ trước năm 2009 có cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiếu phòng học hoặc phòng chức năng; thiết bị dạy học đơn sơ, nghèo nàn... không đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Một số trường mới được công nhận thì số học sinh/lớp học vượt quá nhiều so với quy định như: Trường tiểu học Tam Khương (quận Ðống Ða); Trường mầm non Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Ðáng chú ý, có những đơn vị như Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) không đạt tiêu chí nhưng vẫn được công nhận chuẩn quốc gia vào tháng 1-2014.


Có thể nói, trường học đạt chuẩn quốc gia là niềm tự hào của các địa phương. Việc có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia cho thấy sự quan tâm của các cấp trong đầu tư, chăm lo cho sự nghiệp GD và ÐT. Tuy nhiên, việc xác định chuẩn quốc gia cần bảo đảm chính xác, trung thực chứ không thể qua loa để lấy số liệu làm thành tích. Việc các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là mối quan tâm của các phụ huynh học sinh, vì ai cũng muốn con em mình có được điều kiện học tập tốt nhất. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (nhất là các trường trong nội thành), được đầu tư cơ sở vật chất tốt thường có khá nhiều học sinh xin vào học. Ðiều đó dẫn đến áp lực với các trường, đồng thời nảy sinh tiêu cực "chạy trường", "chạy lớp". Hậu quả là nhiều trường dù được công nhận đạt chuẩn nhưng dễ dàng "xé rào" tuyển sinh gây nên tình trạng số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.


Cả nước đang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT với đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục phải thực chất. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cũng như Sở GD và ÐT Hà Nội cần rà soát lại, chấn chỉnh, thực hiện việc kiểm tra, thẩm định và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đúng quy định. Có như vậy, mới thật sự đánh giá đúng được các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như năng lực của các cơ sở giáo dục để có định hướng đúng đắn. Việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia không phải cho vui, lấy thành tích, tạo kẽ hở cho tiêu cực mà chính là bảo đảm các yếu tố cần thiết để các trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.


Theo nhandandientu