Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lưu ý khi cho con bú


Ngoài những tác dụng không thể phủ nhận đối với trẻ mới chào đời, việc cho con bú sau khi sinh còn có nhiều  tác dụng với bản thân người mẹ và để quá trình này đạt được hiệu quả tốt nhất cũng có nhiều điều phải lưu ý. 

Tác dụng của việc cho con bú đối với người mẹ

Khi cho con bú, các dây thần kinh ở núm vú được kích thích và sản sinh ra 2 loại hooc-môn là prolactin (thúc đẩy quá trình hình thành sữa) và oxytocin (tương tác với các dây thần kinh xung quanh tuyến sữa để đưa sữa vào các ống dẫn).

Với phụ nữ mới sinh, hooc-môn prolactin còn giúp tử cung của họ trở về trạng thái bình thường. 

Ngoài ra cho con bú còn giúp phụ nữ mới sinh giảm được số cân bị tăng trong quá trình mang thai, mà không gây ảnh hưởng nhiều đến kích thước cũng như hình dáng của bầu vú. Hơn nữa, nhờ cho con bú mà nguy cơ ung thư vú sau này của người mẹ cũng được giảm thiểu. 

Có một tác dụng khác của việc cho con bú mà ít người biết đến, đó chính là tác dụng tránh thai (khoảng 60%-70%), bởi nó làm thay đổi lượng hoóc-môn và ngăn ngừa quá trình rụng trứng. Tuy nhiên độ tin cậy không cao, đặc biệt là khi trẻ cai sữa. 

Những điều cần lưu ý

- Không nên cho con bú nếu người mẹ đang mắc một số bệnh truyền nhiễm ví dụ như lao, AIDS…để tránh lây bệnh cho trẻ.

Cũng không nên cho con bú nếu người mẹ thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống ung thư…hay uống nhiều rượu. 

- Trong thời gian cho con bú, cần phải giữ 2 vú luôn ở trạng thái sạch sẽ và phải đảm bảo độ khô ráo cần thiết.

- Đảm bảo đứa trẻ được cho bú đúng tư thế. Núm vú phải được đưa vào phía trong miệng của trẻ sao cho 2 môi của trẻ chạm vào khu vực quầng vú. Khi bú, đứa trẻ sẽ dùng lưỡi đẩy núm vú lên trên vòm miệng và hút sữa vào phía trong. 

- Cần cho bú theo nhu cầu của đứa trẻ, không nên bắt trẻ phải bú ép. Đồng thời cũng phải cho trẻ bú đều cả 2 vú. 

- Trong thời gian cho con bú, một số vấn đề có thể xảy ra như đau núm vú hoặc bị nhiễm khuẩn…Nguyên nhân chủ yếu của những hiện tượng này là do lượng sữa được sản sinh ra quá nhiều. Lượng sữa nhiều còn làm cho vú bị căng, gây khó khăn cho trẻ khi bú.

Để hạn chế ảnh hưởng này, tốt nhất nên dùng tay ép một lượng sữa ra trước rồi cho trẻ bú. 

- Khi thấy núm vú bị dập nhỏ và cảm thấy đau, tốt nhất nên cho trẻ ngừng bú, rồi bôi dầu hoặc kem dưỡng da để vú được lành nhanh hơn, tránh gây truyền nhiễm cho trẻ. 

- Một hiện tượng khác rất dễ xảy ra trong quá trình cho con bú đó là hiện tượng tắc sữa. Đó có thể là do người mẹ mặc áo nịt quá chật hay lượng sữa thừa khô lại chặn các lỗ ở núm vú.

Khi gặp phải hiện tượng này có thể áp dụng biện pháp xoa bóp xung quanh khu vực có ông dẫn sữa. Nếu nghiêm trọng thì phải đến bệnh viện khám cẩn thận.

Theo VTV