Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quốc hội giám sát việc “thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non” tại TPHCM.


Hôm 18/8, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP HCM - cùng đại diện các sở, ban ngành liên quan đã tiếp đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.


Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Sở GD&ĐT về vấn đề "thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non", các thành viên của đoàn giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi về thu nhập cụ thể GVMN tại TPHCM; việc thực hiện các chế độ ưu đãi; lý do số lượng của CB, CNV, GV, CBQL còn lớn...


Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo đoàn giám sát. Cụ thể:


Ngoài những quy định về chế độ cho GVMN mà Bộ GD&ĐT quy định, GVMN tại TPHCM được hưởng thêm 25% phụ cấp, GVMN cho nhóm trẻ từ 6-18 tháng tuổi hỗ trợ thêm 35%; Hỗ trợ thêm tiền lương trong 5 năm đầu cho giáo viên mầm non mới tốt nghiệp; Ở một lớp MN ngoài 2 GV sẽ có thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng được hưởng lương từ ngân sách.


Với quy mô lớn nên con số CB, NV, GV, CBQL cũng rất lớn, xấp xỉ gần 15 ngàn người. Cũng theo báo cáo, từ năm 2011 - 2014, tổng số tiền đầu tư cho GDMN là hơn 7.000 tỷ đồng.


Về vấn đề quản lý trường ngoài công lập, Sở GD&ĐT TP HCM đã thành lập thêm Phòng Quản lý cơ sở giáo dục NCL để trực tiếp quản lý các cơ sở này.


Về vấn đề thí điểm nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, ngành GD TP HCM đã đầu tư về CSVC, tập huấn GV, tuyên truyền sâu rộng đến các địa bàn có những trường được chọn làm thí điểm, nhưng hồ sơ vẫn ít, nhất là nhóm trẻ từ 6 - 12 tháng.


"Chúng tôi chưa đưa ra những nguyên nhân một cách vội vàng để giải đáp cho vấn đề này vì vẫn còn 1 năm làm thí điểm. Ngoài ra, qua tìm hiểu, một phần nào đó tâm lý phụ huynh rất ngần ngại khi gửi con từ 6 tháng tuổi.


Bên cạnh đó, trường MNCL có giờ giữ trẻ theo quy định chung, trong khi đó công nhân thường làm việc theo ca kíp nên việc gửi trẻ cũng gặp những khó khăn" - Bà Thanh cho biết.


Báo cáo thêm về vấn đề giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, ông Hứa Ngọc Thuận phát biểu: TPHCM đã chủ động điều chỉnh những quy định về pháp luật để sắp tới có thể tiến hành xây dựng những trường mầm non ở các khu công nghiệp lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động.


Đề án "Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi trên địa bàn TP từ năm 2014 - 2020" đã được UBND TPHCM phê duyệt. Trong đó nổi bật là chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non theo hướng đẩy mạnh cho vay vốn kích cầu đầu tư với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất; điều chỉnh thời gian trả vốn vay dài hơn nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia dự án xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trường mầm non (kể cả công lập và ngoài công lập).


"Nếu không có những điều chỉnh kịp thời liên quan đến chính sách, pháp luật, không tháo gỡ những cơ chế thì không thể thực hiện được nhiệm vụ của giáo dục mà TPHCM đề ra trong thời gian quan" - Ông Hứa Ngọc Thuận nhận định.


Kết thúc buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát - ghi nhận những kết quả mà GDMN TPHCM đã đạt được, đồng thời đánh giá cao những điều chỉnh về chính sách mà TPHCM đã làm để phát triển GDMN.


Ngoài ra, với sự gia tăng dân số cơ học cao (trung bình 5 năm tăng 1 triệu người), kéo theo đó là những áp lực cho ngành giáo dục nhưng TPHCM đã thực hiện khá tốt về mở rộng quy mô trường lớp, GV để đảm bảo đủ chỗ cho HS. Đoán giám sát đánh giá đây là một thành công rất lớn.


Về vấn đề trường NCL của TPHCM cao nhất cả nước (trên 50%), theo đoàn giám sát, đây là xu hướng phát triển đúng quy luật. Về mặt tháo gỡ cơ chế để đầu tư cho GD, TPHCM đã có những đề xuất rất tốt, như: Giảm thuế, giao đất sạch...


Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đoàn giám sát cũng lưu ý TPHCM cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm định chất lượng để phát triển về quy mô cần đi đôi với đảm bảo về chất lượng.


Được biết, trong hai ngày làm việc tiếp theo, đoàn giám sát sẽ đi khảo sát tại quận 1, quận 7 và huyện Cần Giờ.


Theo GD&TĐ