Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Năm 2015 triển khai thí điểm 14 trường mầm non chất lượng cao


UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Đối với giáo dục mầm non, phấn đấu đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo 95%; đến năm 2020, trẻ nhà trẻ đạt trên 60%, trẻ mẫu giáo 98% trở lên; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo; quan tâm đến trẻ khuyết tật.


Đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, 100% cơ sở giáo dục mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục.


Tỷ lệ trẻ đạt chuẩn phát triển năm 2020 đạt 90% trở lên. Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng năm 2015 xuống dưới 7%. Phấn đấu đến năm 2015 triển khai thí điểm 14 trường chất lượng cao.


Tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50-55%, năm 2020 đạt 70%.


Từng bước nâng định mức chi thường xuyên cho trẻ em mầm non 5 tuổi hàng năm để đạt 7,3 triệu đồng/trẻ/năm.


Toàn thành phố cần cải tạo và xây mới 402 trường giai đoạn 2011-2020, trong đó công lập 300 trường, ngoài công lập 102 trường.

Đến năm 2015 có 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.


Duy trì và giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-11 tuổi) đạt 100%. Giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống còn 30 học sinh/lớp vào năm 2020.


Tỷ lệ học sinh 2 tuổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015 và trên 95% vào năm 2020. Tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, đến năm 2020 đạt 70%.


Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hoá, hiện đại hoá. Đến năm 2015, triển khai thí điểm 10 trường chất lượng cao.


Toàn thành phố cải tạo và xây dựng mới 114 trường tiểu học giai đoạn 2011-2020, trong đó công lập 74 trường, ngoài công lập 40 trường.


Tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11-14 tuổi) đạt 100% vào năm 2015 và giữ vững trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 50% vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020. Giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh/lớp năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020.


Đến năm 2015, triển khai thí điểm 5 trường chất lượng cao. Tỷ lệ trường trung học cơ sở công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 75%-80%.


Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố, hiện đại hoá. Thực hiện chương trình phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo trong toàn ngành.


Toàn thành phố cải tạo và xây dựng mới 50 trường trung học cơ sở giai đoạn 2011-2020, trong đó công lập 35 trường, ngoài công lập 15 trường.


Phấn đấu đến năm 2015, có 90% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương, đến năm 2020 đạt trên 95%. Giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh/lớp năm 2010 xuống 40 học sinh/lớp vào năm 2016.


Tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 50%-55%, năm 2020 đạt 70%. Triển khai thí điểm 6 trường chất lượng cao đến năm 2015. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố, hiện đại hoá. Đầu tư xây dựng mô hình trường trung học phổ thông Thủ đô đạt chuẩn khu vực và quốc tế.


Toàn thành phố cải tạo và xây dựng mới 50 trường trung học phổ thông giai đoạn 2011-2020, trong đó công lập 20 trường, ngoài công lập 30 trường.


Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55%, đến năm 2020 đạt trên 75%. Thu hút 20-25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Phát triển đào tạo nghề truyền thống tại các làng nghề.


Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 14 trường trung cấp chuyên nghiệp hiện có giai đoạn 2011-2020, trong đó công lập 5 trường, ngoài công lập 9 trường.


Toàn thành phố có 5-6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo hướng tiếp cận mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới.


Tập trung đầu tư xây dựng trường Đại học Thủ đô, trên cơ sở nâng cấp và phát triển Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2015, xây mới 2 trường trung cấp chuyên nghiệp ở huyện Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây.


Phấn đấu đến năm 2020, có 99,5% số người trong độ tuổi 15-60 biết chữ; 100% quận, huyện, thị xã và 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2015-2020.


Huy động trên 95% trẻ khuyết tập đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. Huy động trên 99% số người mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 tuổi ra học lớp xoá mù chữ; 95% người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và có 70% số trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.


Thu hút 00,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa học trung học phổ thông vào học chương trình giáo dục thường xuyên và học nghề.


Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất cho 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp thành phố.


Phấn đấu, đến năm 2020, tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 80% giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non phải có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; đối với trung học phổ thông phải có ít nhất 30% giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên; giảng viên trường cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.


Đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn nghề nghiệp, trong đó 90% đạt từ khá trở lên; 100% cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về lý luận chính trị và có trình độ đào tạo trên chuẩn; bảo đảm 100% giáo viên dạy đúng môn học theo chuyên ngành đào tạo.


Phấn đấu đến năm 2016, có 35-40% cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên, đến năm 2020 có 50-55% cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên.


Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài. Đến năm 2015, có 100-150 giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên bậc trung học phổ thông có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài trong trường công lập.


Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp đạt chuẩn trình độ bậc 4 hoặc B2; 100% giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn trình độ bậc 5 hoặc C1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 50% cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức sử dụng thành thạo tiếng Anh; 65% cán bộ quản lý các trường, các cấp học, bậc học sử dụng thành thạo tiếng Anh giao tiếp.


Theo KTĐT