Vào mùa thu, mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể rất cao nên bé dễ bị cảm cúm. Triệu chứng Bé có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân. Trong đó triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước sẽ kéo dài hơn các triệu chứng khác. Không được coi thường Cảm cúm dễ gặp ở bé nhưng mẹ không nên chủ quan. Nếu không được điều trị, cúm có thể dẫn tới các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp.. nhất là với những bé có sức đề kháng yếu. Nguy hiểm nhất là hội chứng Reye ở bé. Hội chứng này thường xuất hiện vài ngày sau khi bé bị cúm. Khi các triệu chứng của cảm cúm có vẻ đang giảm thì bé đột nhiên buồn nôn và nôn. Sau 1-2 ngày, bé lờ đờ, mê sảng, hôn mê sâu và có thể dẫn tới tử vong rất nhanh. Mẹ không nên tự ý mua kháng sinh cho bé Khá nhiều mẹ tự ý mua kháng sinh, hạ sốt điều trị cho con mà không cần có thăm khám và đơn thuốc từ bác sĩ nhi. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì kháng sinh không tiêu diệt được virus gây bệnh cúm. Chưa kể, mẹ có thể nhầm biểu hiện bệnh cúm của bé với các bệnh hô hấp khác nên dùng kháng sinh tùy ý sẽ làm bệnh của bé nặng thêm, làm tăng tình trạng kháng thuốc. Bé có thể bị các tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy, nổi ban... trong khi bệnh cúm thì không khỏi. Phòng tránh Cần luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là các bé mới sinh): Nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Thêm tỏi vào thực đơn cho bé: Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trong tỏi có selen và các nguyên tố vi lượng chứa kháng khuẩn alliin giúp bé tăng miễn dịch, phòng cảm cúm. Bởi thế, khi chế biến món cho bé, mẹ đừng quên tỏi. Mật ong: Không chỉ có tác dụng chữa viêm họng, mật ong còn giúp bé phòng được cảm cúm. Buổi sáng, bé có thể uống 2 thìa mật ong pha vào cốc nước ấm. Lưu ý, bé dưới một tuổi thì nên tránh dùng mật ong. Thịt lợn cũng giúp phòng cúm: Trong thịt lợn chứa nhiều kẽm, selen và vitamin B. Đây là những chất cần cho cơ thể, giúp cơ thể bé chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh. Do đó, cha mẹ nên cho bé ăn thịt lợn, bên cạnh các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Cho bé ăn rau cải: Rau cải dồi dào vitamin C, chất xơ và folate giúp cơ thể bé tăng cường trao đổi chất và có tác dụng lớn trong việc phòng cảm cúm. Do đó, mẹ nên đưa rau cải vào thực đơn hàng tuần cho bé. Cho bé ăn khoai tây: Khoai tây dồi dào vitamin C, chất xơ và kali, giúp bé chống lại các yếu tố gây cảm cúm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho bé ăn nhiều khoai tây vì khoai tây giàu tinh bột, dễ làm bé bị no bụng, dẫn tới chán ăn các món khác. Đừng quên bưởi: Bưởi là loại quả giàu vitamin C bậc nhất, lại khá an toàn vì hầu như không có hóa chất độc hại. Mẹ nên tăng cường cho bé ăn bưởi hoặc dùng nước bưởi ép. Gừng tươi: Giống tỏi, mẹ nên chế biến món cho bé có nêm gừng, bởi gừng có nhiều gingerol, có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể. Giữ vệ sinh cho bé: Mẹ cần chú ý vệ sinh, nhất là vệ sinh bàn tay cho bé để tránh bé bị nhiễm cúm. Mẹ nên rửa tay hoặc dạy bé rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc đi ngoài đường về... Cách ly bé với người bị ốm: Nếu trong nhà có người ốm thì nên tạm thời cách ly bé. Mẹ tuyệt đối không nên đưa bé cùng đi thăm người ốm, người bệnh. Đồng thời, nên hạn chế đưa bé tới chỗ đông người hoặc chỗ có người đang ho, hắt hơi... Tiêm phòng cúm: Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ nhấn mạnh, bé 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm một lần. Theo Mevabe.net |