Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có cũng như không!


Hơn một tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu, nhưng thời điểm hiện tại, công tác tổ chức lớp học ở các trường mầm non nằm trong danh sách thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi vẫn chưa ổn định.


Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường mầm non cho biết, để có đủ phòng ốc chuẩn bị đón trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, trường phải cắt giảm các lớp ở độ tuổi lớn hơn. "Mấy ngày nay chúng tôi phải nghe rất nhiều lời phàn nàn của phụ huynh. Có người còn gọi cả vào số máy cầm tay của hiệu trưởng chất vấn vì sao con em họ nằm trong diện đúng tuyến, nộp đầy đủ hồ sơ nhưng không được nhận vào học. Trong khi đó 2 lớp dự kiến nhận giữ trẻ từ 6 - 12 tháng và 13 -18 tháng tuổi vận động dữ lắm vẫn chưa nhận đủ hồ sơ", vị này cho biết.


Đây cũng là tình hình chung của 10 trường đang thực hiện Đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi do UBND TPHCM ban hành. Tính đến nay, chỉ có Trường Mầm non Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) nhận được 8 hồ sơ đăng ký trên chỉ tiêu 15 bé (đạt tỷ lệ hơn 50%). Ngoài ra, 9 đơn vị còn lại đều nhận lác đác 1 - 2 hồ sơ đăng ký.


Đau lòng nhất là trường hợp của Trường Mầm non Họa Mi - cơ sở 2 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Do vừa được xây mới và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm học 2014 - 2015 nên cơ sở vật chất rất khang trang, rộng rãi, có 2 phòng dành riêng cho trẻ từ 6 - 12 tháng và 13 - 18 tháng tuổi với đầy đủ về trang thiết bị phục vụ các bé như nôi, ghế rung, xe tròn tập đi, ghế ngồi ăn...


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè, hiện nay mới chỉ có 1 hồ sơ đăng ký vào nhóm 6 - 12 tháng tuổi. Không thể phủ nhận tính cấp bách và cần thiết của việc mở các lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi nhưng qua ghi nhận tình hình thực tế, lãnh đạo các trường đều lo ngại sẽ nảy sinh lãng phí lớn.


"Bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vậy mà nay kết quả nhận về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa biết liệu có duy trì được các lớp thí điểm này hay không, trong khi năm học mới đã sắp bắt đầu rồi", phó phòng GD-ĐT một quận vùng ven lo lắng.

Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TPHCM cho biết, nguyên nhân một phần là do thời gian triển khai chủ trương quá ngắn (Nghị quyết 01/2014 của HĐND TP có hiệu lực thi hành từ ngày 14-6). Bên cạnh đó còn hàng loạt lý do khác như các cơ quan quản lý ở địa phương "trở bộ" chậm, việc chọn trường mầm non thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi nằm ở khu vực dân cư chưa hợp lý, công tác tuyên truyền còn mang tính chất "được chăng hay chớ"...


Song rào cản lớn nhất khiến phụ huynh chưa mặn mà nộp hồ sơ chính là do yêu cầu trẻ phải có hộ khẩu TPHCM hoặc thuộc diện tạm trú dài hạn (KT3). Trong khi đó, hầu hết đối tượng có nhu cầu gởi con dưới 18 tháng tuổi đều là công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX.


"Lên TPHCM làm việc chủ yếu để kiếm tiền trang trải cuộc sống, công việc và chỗ ở nhiều khi còn không ổn định nói gì đến hộ khẩu hoặc giấy tạm trú KT3", chị Nguyễn Thị Lan, công nhân may mặc ở KCX Tân Thuận (quận 7) cho biết. Thậm chí theo cách nói của nhiều người, một chủ trương đúng đắn, mang đậm tính nhân văn nhưng nếu thiếu phương tiện thực hiện thì khác gì có cũng như không.


Do đó, để đề án sớm đi vào cuộc sống, rất mong UBND TPHCM sớm ban hành thêm các văn bản hướng dẫn, trong đó mở rộng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục để tránh tình trạng trẻ dưới 18 tháng tuổi phải gởi vào các cơ sở tư thục kém chất lượng như thời gian qua, trong khi các cơ sở trường lớp mới mở đủ điều kiện thì lại không có trẻ học.


Theo SGGP