Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chị Hằng có nhiều khuôn mặt?


Đến từ đất nước mặt trời mọc, nhưng rất nhiều trẻ em Nhật Bản không biết rằng mặt trời lặn ở hướng tây và cho rằng mặt trăng khi tròn khi khuyết là do có nhiều hình dạng. Nhưng sự mù mịt của chúng đối với kiến thức thiên văn học cơ bản không xuất phát từ việc chúng học dốt, mà là ở cách học vẹt thụ động của các em, nhà nghiên cứu Hidehiko Agata tại Đài quan sát thiên văn học quốc gia ở Nhật Bản cho biết. Ông cùng cộng sự đã phỏng vấn tổng cộng 1.692 học sinh tuổi 9-13 trong 3 cuộc khảo sát khác nhau, từ tháng 6/2001 đến tháng 6/2004. Trong nghiên cứu thứ nhất trên 720 học sinh, 27% không biết mặt trời lặn ở đằng tây, trong khi 2% lý giải cho việc mặt trăng khi tròn khi khuyết là bởi "Chị Hằng có nhiều hình dạng". Tại một nghiên cứu khác, trong số 348 học sinh được yêu cầu chỉ ra mối liên hệ giữa trái đất và mặt trời, 42% chọn "Mặt trời quay xung quanh trái đất". Chỉ có 38% trả lời đúng rằng mặt trăng quay quanh trái đất theo đúng quỹ đạo của các vệ tinh nhân tạo. Ông Agata cho biết theo chương trình học phổ thông được đưa vào từ năm 2002, các giáo viên chỉ giải thích sự di chuyển của mặt trời, mặt trăng và các vì sao theo góc nhìn từ dưới mặt đất. "Đây là trường hợp mà các học sinh trả lời như những gì chúng được dạy, chứ không phải chúng nhầm lẫn". Agata cũng cho biết những học sinh ở vùng ngoại ô hay được tiếp xúc với thiên nhiên thường trả lời chính xác hơn so với các em ở đô thị đầy ánh sáng, nơi mà bầu trời đêm hoàn toàn mờ mịt. "Sự tiếp xúc của các em học sinh với thiên nhiên quá là hạn chế, nên nó cũng là lý do lớn cho kết quả này", Agata nói. Minh Thi (theo AFP)