Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi kém chất lượng vẫn “tràn lan”


Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em đều phải dán tem hợp quy (CR) mới được phép lưu hành. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, các cửa hàng bán đồ chơi trên nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn mặc nhiên bày bán các loại hàng hóa không có tem, nhãn mác.


Đồ chơi Trung Quốc được bày bán rầm rộ


Mặc dù hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng những tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Lương Văn Can... đã rầm rộ bày bán các loại đồ chơi với đủ kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Từ các xe ô tô, máy bay, robot điều khiển đời mới đến những đôi cánh thiên thần phát sáng, mặt nạ bằng cao su đủ sắc màu, mũ phù thủy cách điệu diêm dúa...


Theo ghi nhận, giá các mặt hàng đồ chơi trung thu năm nay không cao hơn nhiều so với năm ngoái, chỉ với khoảng 300 ngàn đồng, có thể mua một suất quà dành cho trẻ em đón trung thu.


Chủ cửa hàng "Thế giới tuổi thơ" trên phố Lương Văn Can cho biết: Hàng lấy về sớm vừa để phục vụ cho những người thích mua sắm sớm, vừa đổ buôn cho những cửa hàng nhỏ lẻ khác trong nội thành và các tỉnh lân cận. Hàng hóa ở đây tới 99% là hàng Trung Quốc, còn hàng Việt Nam rất ít, chỉ có robot Tosy và một số loại xếp hình, con quay.


Khi được hỏi về chuyện nhãn kiểm định chất lượng, chị chủ cửa hàng chỉ tay lên kệ phía trên cao, lấp lửng "nhãn chỉ có hàng công ty mới có nhưng khi nào khách đồng ý mua thì mới cho xem nhãn. Mặt hàng này giá cao hơn những hàng "chợ" thông thường không dán nhãn nên ít bán được".


Tại phố hàng Mã, chị Hoa - chủ cửa hàng Hồng Hoa lại nói chắc như "đinh đóng cột": cần gì phải dán tem, nhãn mác cho phức tạp. Không có tem, khách đến mua vẫn đông, có những ngày chật kín cả con phố, nhất là trước trung thu khoảng 2, 3 tuần. "Nếu mua một chú robot Tosy loại thường của Việt Nam có dán nhãn giá trên 600.000 đồng, loại có loa khoảng 1,3 triệu đồng. Trong khi mua một sản phẩm tương tự của Trung Quốc không nhãn mác giá chỉ từ 2 - 3 trăm nghìn đồng" - chị Hoa so sánh.


Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều cửa hàng trên phố Chả Cá, Tôn Thất Tùng. Hầu hết, trên các sản phẩm đồ chơi không có một con tem CR nào gắn lên trên mỗi mặt hàng. Nếu có chỉ là những mảnh giấy pho to nhỏ được cắt dán có tên doanh nghiệp nhập khẩu, vài dòng về sản phẩm...


Anh Dũng (ở Minh Khai, Hà Nội) đang mua hàng cho hay, "đồ của Trung Quốc mẫu mã đẹp, kiểu dáng phong phú hơn Việt Nam nên trẻ con thích, chưa kể giá cả lại phải chăng. Bọn trẻ chơi vài ba ngày cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe". Chính vì những tâm lý như vậy là nguyên nhân khiến cho thị trường đồ chơi Trung Quốc "lấn lướt" thị trường đồ chơi Việt Nam. Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, đã đến lúc người tiêu dùng cũng phải nâng cao cảnh giác, và tự biết bảo vệ chính mình.


Theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, các vi phạm về gắn dấu hợp quy, không đảm bảo chất lượng hàng hóa có thể bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng... Nhưng dường như các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em vẫn "phớt lờ" quy định.


Theo CôngThương