Người Mỹ dạy trẻ yêu thích việc đọc sách như thế nào? Một người mẹ Mỹ chia sẻ, nếu muốn con bạn thật hứng thú với việc đọc sách thì bạn phải thật sự vui thích và thoải mái khi chơi cùng với con. Hôm ấy, tôi dẫn cháu bé nhà tôi đến thư viện chơi thì vô tình gặp người bạn Mỹ đồng nghiệp cũng dẫn con đến. Chúng tôi trò chuyện trong khi tụi nhỏ thì chơi đùa. Trong lúc chơi, con trai của người bạn tôi gọi mẹ lại, vừa nói vừa chỉ tay lên trên tường: "Mommy, this is Yesterday, the day happened before Today". (Mẹ ơi, đây là Ngày hôm qua, ngày đã xảy ra trước Ngày hôm nay). Tôi liếc nhìn theo thì thấy trên tường có một vòng tròn xoay đính vào có ghi chữ Yesterday. Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt hỏi bạn: "Ủa, con của mày biết đọc à"?. "Ừ, cháu nó biết đọc được một ít" bạn tôi khiêm tốn trả lời. Lúc ấy con người bạn tôi mới được 2 tuổi. Thực ra sau này tôi mới biết là cháu bé con bạn tôi lúc đó đã có thể đọc được hàng trăm từ. Thế là chúng tôi bắt hào hứng nói về chuyện dạy đọc cho các con... Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về việc người Mỹ dạy trẻ biết đọc và yêu thích việc đọc sách như thế nào. Tôi có một thuận lợi là nhà tôi ở gần thư viện công cộng của thành phố (Columbia Public Library) nên tôi có dịp thường xuyên sang chơi và chứng kiến được những câu chuyện thực tế về việc người Mỹ dạy trẻ đọc sách. Mỗi lứa tuổi đều có những cuốn sách với cách thiết kế và nội dung phù hợp. Có những cuốn sách có thể sờ để rèn luyện xúc giác... Không bao giờ là quá sớm khi đọc sách cho con nghe Tôi thấy ở thư viện người ta dẫn trẻ đủ mọi lứa tuổi đến đây đọc sách, từ vài tháng tuổi đến vài tuần tuổi, thậm chí có rất nhiều bà mẹ đang mang bầu cũng đến đây tham gia đọc sách. Điều thú vị là ở đây người ta luôn tìm thấy được các thể loại sách phù hợp với mọi lứa tuổi của trẻ. Tắt thiết bị điện tử để mở cửa sổ tâm hồn Mặc dù công nghệ phát triển nhưng các nhà giáo dục Mỹ khuyến cáo không cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với Tivi hoặc iPad (hoặc các thiết bị điện tử có màn hình khác). Đối với trẻ từ 3-5 tuổi thì chỉ nên xem tivi tối đa 1 h và phải hoàn toàn không có cảnh bạo lực. Còn đối với trẻ từ 6-12 tuổi thì tối đa là 2 h cũng không được có cảnh bạo lực. Những thiết bị điện tử thường được cài đặt chương trình phần mềm giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ. Thay vào việc xem tivi và sử dụng iPad, các gia đình Mỹ thường cho trẻ vận động ngoài trời và đọc sách trong thư viện. Thay vì sử dụng flash card thì kể những câu chuyện Ở đây, tối thấy rất ít người Mỹ sử dụng các thẻ ghi nhớ nhanh (flash card), kể cả trong gia đình và tại trường học mẫu giáo. Tôi hỏi một vài giáo viên ở đây thì họ nói flash card không giúp được trẻ có trí sáng tạo (creativity) và liên kết (connection) tốt. Tôi tìm hiểu thì được biết ở đây họ có cả hội "No Time for Flash Cards" giúp các bố mẹ và giáo viên có thêm các ý tưởng về tổ chức trò chơi sáng tạo dành cho trẻ thay vì chỉ sử dụng flash cards. Theo họ thì những câu chuyện kể sẽ có tính kết nối và liên tưởng cao hơn khi chỉ sử dụng flash card rời rạc. Tủ sách có thể thiết kế có bánh xe phía dưới, di chuyển được để tạo sự thay đổi không gian vui chơi dành cho trẻ. Đọc to và diễn cảm, giả giọng làm trẻ tập trung cao hơn Để ý việc đọc sách của người Mỹ cho trẻ, tôi thấy họ đọc khá to, rõ ràng, diễn cảm, thậm chí là giả giọng các nhân vật. Tôi tìm hiểu thì được biết đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, việc đọc to và giả giọng giúp trẻ tập trung cao hơn và tăng trí nhớ tốt hơn. Ở thư viện hàng tuần đều có chương trình "Family Story Time" hay "Baby and Toddler Time" chuyên kể chuyện, đọc sách có ngữ điệu và hát những bài hát có vần. Chuẩn bị tủ sách cho con Các gia đình Mỹ thường có phòng riêng cho các con. Trong phòng riêng ấy, luôn có một không gian làm tủ sách nhỏ cho con trở thành hành trang trong suốt tuổi thơ của trẻ. Mặc dù sách ở Mỹ mua mới thì khá đắt, chẳng hạn những cuốn sách nhỏ dành cho trẻ mẫu giáo thôi đã khoảng $15 -20. Nên phần lớn những gia đình thường mua sách đã qua sử dụng, giá rất rẻ chỉ còn $1-2 mà chất lượng vẫn còn rất tốt vì sách in ở Mỹ khá là bền. Ở Mỹ có nhiều tổ chức cho sách miễn phí, chẳng hạn như Dolly Parton's Imagination Library phát sách miễn phí hàng tháng dành cho trẻ em từ 0 đến 5 tuổi, đặc biệt sách phù hợp theo đúng độ tuổi của trẻ. Ngoài sách mua và sách được cho miễn phí, thì các gia đình còn có thể mượn sách ở thư viện cũng miến phí luôn. Mỗi lần đi thư viện, các gia đình mượn sách cho con đến cả 20-30 cuốn, được giữ sách được 3 tuần và gia hạn thêm sau đó mỗi tuần. Dẫn con đến thư viện thường xuyên Thư viện công cộng ở Mỹ được đầu tư xây dựng khá quy mô và sạch đẹp. Bên trong thư viện luôn khu vực dành riêng cho trẻ nhỏ vui chơi, được thiết kế rất sáng tạo và có tính giáo dục rất cao. Ngoài các loại sách được phân theo cái độ tuổi khác nhau (Baby, Toddler, Preschool, Kindergarten, K-12....) thì cũng có những đồ chơi phong phú dành cho trẻ. Điểm đặc biệt là các thư viện luôn có các chương trình đọc sách cho trẻ và các chương trình giao lưu đọc sách làm cho việc đọc sách trở nên tương tác và hứng thú hơn rất nhiều. Các gia đình có con nhỏ mới sinh ra chừng một vài tháng cũng dẫn con đến đây chơi rất đông vui. Nhờ vào việc thư viện ở đây mở cửa từ 9 sáng đến 9 giờ tối các ngày trong tuần và mở nửa ngày vào ngày cuối tuần, nên hầu như rất thuận tiện cho các ông bố bà mẹ nếu bận rộn giờ đi làm vẫn có thể dẫn con đến thư viện chơi vào buổi tối hoặc cuối tuần. Sách ở thư viện khu dành chỏ trẻ em thường để thấp để tự tay các bé có thể tự lựa chọn sách được. Đọc sách như việc tưới nước hàng ngày chăm sóc cây Nếu nhà chúng ta trồng cây, chúng ta sẽ tưới nước vào thời gian nào? Thường là vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối phải không. Thì việc đọc sách cho trẻ cũng giống vậy. Ở Mỹ người ta thường đọc sách cho các bé vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Sáng sớm thức dậy sau một đêm ngủ sâu và dài, đầu óc bé khá tỉnh táo và nhạy bén, bé có thể ghi nhớ và hấp thụ rất nhanh các từ ngữ, câu chuyện mới mà chúng ta kể bé nghe. Còn vào buổi tuổi, trước gì đi ngủ, các bé thích được các ba mẹ đọc cho nghe những câu chuyện êm dịu, để đưa bé vào giấc ngủ. Những thói quen này có thể kéo dài từ lúc bé mới sinh ra cho đến lúc bé vào bước vào tuổi trung học (13-15 tuổi). Như vậy, thời gian đọc sách mà những cha mẹ người Mỹ dành cho con khá là dài và đều đặn. (Bài viết có sử dụng một số hình ảnh từ thư viện Columbia Public Library). Theo Yêu trẻ thơ
|