Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 “thói quen vàng” mẹ cần dạy con


Những thói quen này không chỉ khiến bé được mọi người yêu mến, mà sẽ giúp ích rất nhiều cho con trong cuộc sống.

Hôm qua là sinh nhật chị Ngọc - trưởng phòng chỗ tôi làm. Đúng vào dịp cuối tuần nên chị mời cả mấy chị em trong phòng về nhà, vừa để giúp chị chuẩn bị cho bữa tiệc, lại vừa là dịp thắt chặt tình cảm chị em trong phòng.

Tới nhà, tôi và mọi người thực sự bị ấn tượng với 2 bé Zim, Xu nhà chị. Nhìn hai bé ngoan ngoãn, lễ phép khiến ai nấy đều yêu mến. Còn tôi, dù chưa có gia đình nhưng cũng không khỏi "thèm thuồng". Tôi thầm ước sau này các con mình cũng dễ thương như thế.

Không chỉ có tôi mà hầu hết các chị em khác đều cảm thấy ngưỡng mộ cách chị Ngọc dạy các con ngoan như vậy. Trong khi nhiều bé bây giờ được bố mẹ cưng chiều quá tính tình thường rất... khó ưa. Vậy là trong khi vừa chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật, chúng tôi vừa "tranh thủ" hỏi han chị về bí quyết dạy con ngoan.

Chị Ngọc cười bảo: "Nói là bí quyết thì nghe có vẻ to tát quá. Nhưng để các con được mọi người yêu mến, mình cố gắng dạy cho con 5 thói quen theo mình là cần thiết...". 5 thói quen của chị Ngọc là:

Với 5 "thói quen vàng", bé sẽ được rất nhiều người yêu mến. (Ảnh minh họa)

Nói cảm ơn

Theo chị Ngọc, đây là thói quen đầu tiên và quan trọng nhất các mẹ cần dạy cho con. Thói quen này sẽ giúp con rất nhiều trong suốt cuộc đời bé. Các mẹ chỉ cần bắt đầu đơn giản bằng cách dạy con nói từ "cảm ơn". Để dần dần, cảm giác biết ơn thực sự và chân thành sẽ "bén rễ" trong tâm hồn của bé.

Dạy con nói cảm ơn là một việc gian nan, do đó các mẹ phải thật kiên trì. Có thể trong giai đoạn đầu, khi đề nghị và dạy con nói cảm ơn, đặc biệt là với trẻ dưới 7 tuổi, mẹ sẽ gặp phải sự kháng cự nhất định từ phía con.

Khi ấy, mẹ không nên gây áp lực hoặc thúc ép con quá căng thẳng. Thay vào đó, mẹ hãy giúp con hình thành thói quen này một cách từ từ. Như chị Ngọc chia sẻ, vào thời gian đầu, mỗi khi nhận được quà hay được người khác giúp đỡ, Zim và Xu thường sợ và không dám nói cảm ơn, nhất là đối với những người lạ. Mỗi lần như thế, chị thường cho hai bé viết thư cảm ơn thay vì nói trực tiếp.

Mỉm cười

Nhìn một đứa bé hay cười, thử hỏi ai mà không yêu không quý. Khi cười, các bé như nhắc nhở người lớn rằng thế giới luôn ẩn chứa rất nhiều điều tốt đẹp. Thật hạnh phúc bởi ngay từ khi sinh ra, dường như bé nào cũng có trong mình nụ cười ẩn sau đôi môi hồng chúm chím.

Để hình thành và duy trì thói quen hay cười của bé, ngay từ những nụ cười đầu tiên, bé cần nhận được sự khuyến khích và động viên từ cha mẹ. Cha mẹ chính là người nhóm lên nụ cười của bé, giúp bé mỉm cười với những niềm vui trong cuộc sống.


Khi cười, ai cũng yêu quý con. (Ảnh minh họa)

Kiên nhẫn chờ đợi

Rèn thói quen kiên nhẫn là một điều vô cùng khó khăn, ngay cả đối với người lớn chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, những người có thể trì hoãn sự hài lòng sẽ thành công hơn trong cuộc sống.

Cũng như nhiều đức tính khác, các mẹ cần rèn đức tính kiên nhẫn cho con ngay từ khi con còn nhỏ, trong đó bước đầu tiên các mẹ có thể làm là dạy con học cách chờ đợi. Để luyện tập thói quen này, chị Ngọc thường đưa Zim và Xu đến những địa điểm có tập trung nhiều trẻ nhỏ, ví dụ như công viên, bảo tàng hay sở thú.

Ở đây, sẽ có rất nhiều bé khác và nhu cầu của Zim, Xu ở những nơi không phải là nhà mình thế này thường không được đáp ứng ngay lập tức. Bé sẽ biết không phải lúc nào muốn cũng được và thói quen kiên nhẫn sẽ dần dần tự hình thành trong con người bé.

Gìn giữ môi trường xung quanh

Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ cần dạy cho bé biết gìn giữ môi trường. Bởi môi trường sạch đẹp sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy thoải mái.

Không chỉ trong phòng ngủ mà cả những khu vực chung như phòng khách, phòng ăn hay lớn hơn là khu vực công cộng như rạp chiếp phim, công viên, chị Ngọc cũng dạy các con phải biết giữ vệ sinh sạch sẽ. Để rèn thói quen này cho hai bé, cách của vợ chồng chị Ngọc là trở thành những tấm gương cho con. "Khi thấy bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, bỏ rác vào thùng,... tức khắc bé sẽ ghi nhận điều đó và dần dần, con cũng sẽ hình thành được thói quen như vậy.


Giữ gìn môi trường giúp những người xung quanh cảm thấy thoải mái (Ảnh minh họa)

Biết chia sẻ

Biết cách chia sẻ từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ trở thành những cá thể trưởng thành, hào phóng, chu đáo và biết quan tâm tới người khác. Tuy nhiên, đây quả thực là một bài học không hề dễ dạy cho bé. Vì ngay từ khi còn ở độ tuổi chập chững biết đi, các bé đã có tư tưởng sở hữu đồ chơi của mình và không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai.

Vì thế, để rèn luyện cho con đức tính này, ngoài việc trở thành những hình mẫu lý tưởng để trẻ học theo, bố mẹ cần thường xuyên rèn luyện cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đối với chị Ngọc, cụm từ "Lần chơi tiếp theo sẽ là của bố/mẹ nhé" chính là cách hiệu quả giúp dạy bé thói quen chia sẻ.

Đó là 5 thói quen mà chị Ngọc đã dày công rèn luyện cho hai bé Zim, Xu. Ai cũng hiểu, để làm được như vậy thực sự không dễ dàng chút nào. Nhưng kết quả thì thật đáng tự hào, bằng chứng là các con chị không chỉ được bất cứ ai yêu mến. Mà lớn hơn thế, những thói quen này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bé trong suốt cuộc đời. Đó thực sự là món quà vô giá cho sự thành công và hạnh phúc.

Chị Ngọc nói thêm: "Những thói quen này không thể tự có và không dễ hình thành trong một sớm một chiều. Các con cần thời gian và sự rèn luyện mỗi ngày. Vì vậy, bố mẹ hãy bắt đầu ngay từ bây giờ để bé yêu có thể hình thành dần những thói quen đó càng sớm càng tốt".

Theo Khám phá