TPHCM hiện còn hơn 700 nhà giáo đã nghỉ hưu có thời gian giảng dạy ở trường bán công; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường mầm non chưa được giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Cô Lê Thị Bạch Yến (thứ hai từ trái sang) không được nhận trợ cấp thâm niên.
Khắc khoải vì "bán công"
Đi dạy từ trước năm 1975, đến tháng 1-2003, thầy Ngô Đình Tám, nguyên giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Bình TPHCM nghỉ hưu. Sau gần 30 năm liên tục dạy, bây giờ thầy đã 80 tuổi, lương hưu chẳng bao nhiêu. Thế nên khi nghe có khoản phụ cấp thâm niên, thầy Tám và giáo viên rủ nhau làm thủ tục nhận. Gửi hồ sơ đi và thấp thỏm chờ đợi thì vừa rồi, bên bảo hiểm xã hội (BHXH) trả hồ sơ vì thầy Tám là giáo viên trường bán công, không thuộc diện được xét. Trường THCS Phan Bội Châu là trường bán công nên "phải chờ có hướng dẫn cụ thể của BHXH Việt Nam", văn bản trả lời của BHXH TPHCM ghi rõ.
Không giấu được nỗi buồn, thầy Tám tâm sự: "Tôi đã gần hết thời gian rồi nên chắc bỏ cuộc thôi! Vì sao các thầy cô khác trong trường được mà chúng tôi thì không? Thực hiện chủ trương của Nhà nước, có một thời gian trường của chúng tôi bị chuyển sang mô hình bán công". Thầy cho biết, giáo viên đâu ai muốn trường mình trở thành trường bán công. Song trước chủ trương của Nhà nước, giáo viên đều chấp hành sự phân công sang dạy trong môi trường bán công. Thời ấy, đầu vào của trường bán công luôn luôn thấp hơn trường công lập nên giáo viên như thầy Tám càng vất vả. Rốt cuộc lại bị phân biệt khi về hưu.
Một cán bộ Trường THCS Phan Bội Châu cho biết, trường trước đây là trường công lập, năm học 1996 - 1997 chuyển sang mô hình bán công. Sau đó vài năm trường lại chuyển về mô hình công lập như cũ. Điều bất hợp lý là những giáo viên về hưu trong khi trường hoạt động theo mô hình công lập thì được hưởng phụ cấp thâm niên, còn những thầy cô theo mô hình bán công không được hưởng, khiến một số thầy cô chịu thiệt thòi.
Là đồng nghiệp tại trường, cùng làm đơn và cùng mỏi mòn chờ đợi như thầy Tám, thầy Nguyễn Văn Mẫn bức xúc: "Trường bán công cũng là trường của Nhà nước, giáo viên biên chế do điều động của Nhà nước điều về, tại sao lại có sự phân biệt đối xử?"
Thiệt vì là... cán bộ quản lý
Cô Lê Thị Bạch Yến, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (quận Tân Phú), cho biết cô có thâm niên gần 31 năm làm nhà giáo, từng làm công tác quản lý ở nhiều trường cho đến khi nghỉ hưu. "Làm công tác quản lý vốn rất nhọc nhằn nhưng đến khi nghỉ hưu lại bị gạt ra khỏi tiêu chuẩn nhận phụ cấp thâm niên. Việc tính phụ cấp hiện nay cũng rất khó hiểu, có nhiều thầy cô làm quản lý đã được giải quyết, nhưng có một số thầy cô khác như tôi lại cũng phải chờ hướng dẫn. Cống hiến cả đời, đến nay bị phân biệt đối xử thế này, cảm thấy rất buồn", cô Yến bức xúc khi chìa cho chúng tôi xem công văn trả lời của BHXH TPHCM về chức danh "hiệu phó hiện nay phải chờ có hướng dẫn cụ thể của BHXH Việt Nam".
Tương tự, trong 27 năm 6 tháng làm nhà giáo, cô Bùi Thị Kim Anh (53 tuổi, ngụ quận 3) có 1/3 quãng thời gian làm trong Ban Giám hiệu Trường Mầm non 10 quận 3. Năm 2008, gia đình neo người, cô Kim Anh xin nghỉ hưu. Cuối năm 2013, nghe BHXH quận hướng dẫn, cô Kim Anh làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (theo Quyết định 52/2013). Cô hy vọng, mình sẽ được hưởng một khoản tiền trợ cấp (3,6 triệu đồng lương hưu/tháng x 10% x 27,5 năm công tác), có một khoản tiền sửa sang nhà cửa và nuôi 2 con học đại học. Tuy nhiên, cận Tết Giáp Ngọ, nhiều đồng nghiệp được lãnh, còn cô vẫn... chưa thấy gì. Cô chờ hoài đến nay vẫn chưa được giải quyết bởi cô từng làm trong ban giám hiệu trường mầm non!
Theo BHXH Việt Nam (văn bản 1566, ngày 9-5-2014, về việc trợ cấp đối với nhà giáo theo Quyết định 52/2013), cơ sở bán công không thuộc đối tượng được tính phụ cấp thâm niên giáo viên, không có văn bản quy định chế độ công tác giảng dạy của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường mầm non. Do đó, BHXH Việt Nam chưa có cơ sở giải quyết đối với các trường hợp này.
Chính vì thế, đến nay, TPHCM còn hơn 700 hồ sơ của nhà giáo nghỉ hưu có thời gian giảng dạy trường bán công; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non chưa được giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Trước tình hình trên, UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ GD-ĐT giải quyết cho đối tượng nhà giáo đã nghỉ hưu có thời gian giảng dạy tại trường bán công (nay các trường bán công đó đã được chuyển sang trường công lập) và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non được hưởng chế độ trợ cấp đối với nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo Quyết định 52/2013 (tương tự nhà giáo hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011).
Theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ trợ cấp cho nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu như nhà giáo sẽ được hưởng chế độ trợ cấp khi đủ điều kiện: có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong thời gian từ 1-1-1994 đến 31-5-2011 thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp bằng 10% mức lương hưu hàng tháng nhân với số năm được tính trợ cấp (tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn trong các cơ sở giáo dục công lập đã được tính hưởng chế độ hưu trí).
Theo SGGP