Trên địa bàn xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một ngôi trường mầm non khang trang được xây lên từ số tiền bán bộ đèn dầu cổ là sưu tập của một chàng trai quê gốc ở đây, theo đúng di nguyện trước khi qua đời của anh.
Ngôi trường có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng tốt điều kiện học tập và chăm sóc trẻ. Ảnh VGP/Thế Phong
Lật giở từng trang album ảnh về bộ sưu tập đèn dầu cổ do người quá cố để lại, cô giáo Lê Thị Nhạn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Công Anh Đức trầm ngâm nói: "Ngôi trường mang tên người đầu tư xây dựng nhưng giáo viên, học sinh chưa một lần được gặp mặt người đó, chỉ được biết qua di ảnh gia đình để lại. Chuyện về ngôi trường như một câu chuyện cổ tích có thực mang ý nghĩa nhân văn cao cả không chỉ đối với tập thể giáo viên, học sinh nhà trường mà còn tác động sâu rộng trong nhận thức của cộng động xã hội".
Cô Nhạn cho biết, hôm khánh thành ngôi trường, người dân trong xã, lãnh đạo địa phương đều mừng vui bởi trước đây, trên mảnh đất Điện Hồng chỉ có những ngôi trường bằng tranh tre, nứa lá, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn đủ bề.
Nói về ngôi trường mới, cô Nhạn cho biết, trường được xây dựng mới trên diện tích hơn 5.000 m2, đạt chuẩn mức độ 1 với 12 phòng học, 8 phòng học chức năng cùng hệ thống nhà ăn, khu vệ sinh theo chuẩn quy định của Bộ GDĐT, có hệ thống sân chơi, cây xanh theo đúng nghĩa cảnh quan xanh-sạch-đẹp.
"Ngôi trường như là một giấc mơ có thật, cũng là niềm vui lớn nhất của tôi sau hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục địa phương. Bây giờ cô trò chúng tôi không còn phập phồng nỗi lo âu mỗi lúc mưa gió", cô Nhạn giãi bày.
Toàn bộ số tiền xây dựng trường, trị giá hơn 7,8 tỷ đồng, do anh Lê Công Anh Đức (SN 1970, quê gốc ở Điện Bàn, nhưng sống ở TP. Hồ Chí Minh) bỏ ra. Anh Lê Công Anh Đức là chủ nhân của bộ sưu tập đèn dầu cổ gồm 462 chiếc.
Theo ông Lê Công Chiêm, bố của Lê Công Anh Đức, để có được bộ đèn dầu cổ này, anh Đức đã bôn ba khắp trong và ngoài nước sưu tầm, mua lại trong nhiều năm bằng đồng lương chắt chiu được và nuôi mơ ước đến một ngày nào đó sẽ lập được một bảo tàng tư nhân về đèn dầu cổ tại Việt Nam.
Sau khi chủ nhân bộ đèn dầu cổ không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến ngỏ lời với gia đình để mua lại với giá hơn 10 tỷ đồng nhưng gia đình từ chối.
Trước đó, sau nhiều lần về thăm quê, anh Lê Công Anh Đức ngỏ ý muốn đóng góp cho quê hương bằng việc bỏ tiền xây dựng một ngôi trường mần non mới khang trang thay thế ngôi trường cũ đã lụp xụp, xuống cấp. Biết được mong muốn này, lãnh đạo Phòng GDĐT và UBND huyện Điện Bàn đã gặp gỡ gia đình và cùng thống nhất kế hoạch xây dựng trường.
Vậy là, UBND huyện Điện Bàn sẽ mua bộ sưu tập đèn dầu cổ để trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Điện Bàn. Giá trị bằng tiền của bộ đèn dầu cổ sẽ được đầu tư xây dựng Trường Mẫu giáo mang tên Lê Công Anh Đức - chủ nhân của bộ đèn dầu cổ.
Sau một thời gian xây dựng, ngôi trường mới đã được khánh thành. Lúc cánh cửa trường mở ra, ông Lê Công Chiêm cùng các thành viên trong gia tộc họ Lê và chính quyền, nhân dân địa phương mừng vui khôn xiết nhìn các cháu ùa vào phòng, sờ tay lên những bộ bàn ghế mới.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: Tiếp xúc với bộ đèn dầu cổ là được tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau trên thế giới. Người xem sẽ kinh ngạc về sức mạnh, niềm đam mê của người đã sưu tầm nó và sẽ càng kinh ngạc hơn khi người sưu tập chỉ là một kỹ sư 32 tuổi.
Việc huyện Điện Bàn tiếp nhận, trưng bày bộ sưu tập đèn cổ tại Bảo tàng huyện và xây dựng một ngôi trường mẫu giáo công lập đạt chuẩn quốc gia để ghi danh người sưu tầm, đóng góp bộ đèn dầu thật sự là một kết cục có hậu.
Theo Chinhphu.vn