Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy trước chương trình lớp 1 Đừng ép trẻ “chín non”


Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT các địa phương cấm dạy trước chương trình cho trẻ vào lớp 1, nhưng các lớp học luyện chữ, dạy trước vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.


Học theo phong trào

Trong hướng dẫn tổ chức hoạt động hè năm 2014, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cấp học mầm non, tiểu học tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi. Đặc biệt, đối với trẻ 5 tuổi, không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, trên thực tế, các lớp ôn luyện cho học sinh (HS) mẫu giáo trước khi vào lớp 1 vẫn "nở rộ".


Các chuyên gia khuyến cáo, việc cho học trước chương trình có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ. Ảnh: Quý Trung


Với tâm lý lo con vào lớp 1 không theo kịp các bạn, phụ huynh đã "chạy đua" cho con học trước chương trình nửa năm, thậm chí cho con nghỉ học ở lớp mẫu giáo để đi học thêm. Chị Mai Vân, nhà ở quận Ba Đình, có con năm nay vào lớp 1 cho biết, lúc đầu 2 vợ chồng đã thống nhất không cho con học trước, nhưng khi thấy con hàng xóm đọc, viết thạo, lại sốt ruột đi tìm lớp cho con. "Cũng muốn con vui chơi thoải mái, không bị áp lực về học hành, nhưng thấy con hàng xóm sang nhà chơi đọc truyện, biết làm toán, tôi cũng chột dạ" - chị Vân chia sẻ.


Không riêng gì chị Vân, nhiều phụ huynh có con sinh năm 2008 ở Hà Nội cũng tham gia phong trào cho con đi ôn luyện, học trước. Đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh, lại đang trong giai đoạn nghỉ hè, nên một số giáo viên tiểu học cũng tranh thủ nhận dạy kèm học sinh tại nhà hoặc thuê địa điểm để dạy. Tại một lớp học thêm trong ngõ trên phố Đông Tác (quận Đống Đa), có khoảng 30 HS với 3 giáo viên cùng phụ trách dạy, học phí 100.000 đồng/HS/buổi. Một phụ huynh có con học tại đây cho biết, chị cho con đi học trước vì lo con sẽ "tụt hậu" so với các bạn khi vào lớp 1. Đó là nỗi lo chung, nên dù biết con vất vả trong mùa hè nóng nực, cha mẹ vẫn không thể thờ ơ với việc học trước chương trình lớp 1.


Phản khoa học

Không đồng tình với việc phụ huynh ép trẻ đi học sớm trước khi vào lớp 1, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục thẳng thắn: "Các bậc phụ huynh cho con đi học chữ quá sớm là phản khoa học, sẽ làm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ. Việc "nhồi" con học Toán, chữ viết vào đầu sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Theo tôi, ở lứa tuổi này, chỉ cần các cháu biết những điều đơn giản như biết chào hỏi, biết giao tiếp, chuẩn bị sẵn sàng để vào lớp 1...".


Đồng tình quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng: Các bậc phụ huynh chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1 là rất tốt. Tuy nhiên, gia đình phải hiểu và nắm được 2 vấn đề. Thứ nhất, tâm lý của trẻ rất nhạy cảm, có trẻ 3 - 4 tuổi đã đọc, làm toán được, có trẻ 5 - 6 tuổi lại chưa làm được điều đó, nếu gia đình gò, ép trẻ, có trẻ sẽ bị sang chấn về tâm lý. Cũng như các cơ tay của trẻ chưa phát triển được, bắt trẻ viết sẽ làm trẻ sợ học. Các trẻ ở độ tuổi mầm non có tâm lý khác nhau, do vậy Bộ GD&ĐT đã cấm dạy, học trước chương trình lớp 1. Thứ hai, bố mẹ chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước hết là ở việc chăm lo sức khỏe cho trẻ. Trẻ ở bậc mầm non là vừa học vừa chơi, ở lứa tuổi này có cháu đọc vanh vách, có cháu chưa đọc được, bố mẹ cũng không nên sốt ruột. Cái cần nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 là dạy cho các cháu biết nền nếp, thói quen khi vào trường tiểu học. Ép trẻ học sớm sẽ khiến trẻ chủ quan, mất dần thói quen tự giác, ý thức học tập và sự cố gắng.


Cũng phải nói rằng, hiện nay, việc kiểm soát các "lò" luyện vào lớp 1 mà thực chất là các cơ sở dạy học trái phép gần như bỏ trống. Để ngăn chặn tình trạng ép trẻ "chín non" này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết, phụ huynh phải có sự giác ngộ, tự trang bị kiến thức để hiểu con mình. Ngoài ra, các giáo viên không nên lợi dụng tâm lý lo ngại của phụ huynh để mở các lớp dạy thêm trái quy định. Đặc biệt, ngành GD&ĐT phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với trung tâm, nhóm lớp mở dạy thêm trái quy định, có như vậy mới mong giảm được tình trạng này.


Theo KTĐT