Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xóa rào cản giúp trẻ tự kỷ hòa nhập


Sự thiệt thòi của trẻ mắc hội chứng tự kỷ thì gần như ai cũng biết và gánh nặng cho gia đình, xã hội điều trị trẻ là không nhỏ. Những năm gần đây, số trẻ mắc bệnh tự kỷ ở Việt Nam nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng không ngừng tăng lên. Lý do thì nhiều, ngoài nhận thức chưa thật sự chính xác của các bậc phụ huynh về căn bệnh này thì việc sớm điều trị cũng như môi trường hòa nhập cho trẻ còn quá gian nan.


Giờ học tại Trung tâm giáo dục và trị liệu tự kỷ ATC.


Theo các chuyên gia đầu ngành, hiện số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày một tăng cao. Trong khi đó, với không ít người hiện nay vẫn còn xa lạ với căn bệnh tự kỷ ở trẻ và thường bị nhầm lẫn với những bệnh khác như: thiểu năng trí tuệ, thần kinh. Nhiều bậc phụ huynh thường mang tâm lý khó chấp nhận và giấu giếm mọi người chung quanh. Điều đó khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả.


Theo Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số trẻ mắc bệnh tự kỷ mới ngày càng tăng, nên các cơ sở điều trị cho trẻ tự kỷ đều bị quá tải. Hằng năm, bệnh viện có hơn 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại Khoa Nhi của bệnh viện.


Phó Trưởng Khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần thành phố, bác sĩ Lâm Hiếu Minh chia sẻ: Đến nay chưa có sự thống nhất về nguyên nhân gây ra tự kỷ, nhưng xu hướng chung cho rằng tự kỷ do nhiều nguyên nhân gây nên. Mới đây, các nhà nghiên cứu trên thế giới thấy rằng, hội chứng tự kỷ liên quan đến rối loạn gien, não bất thường, mất cân bằng sinh hóa, di truyền, những yếu tố trong lúc mang thai và sau sinh (nhiễm trùng nước ối, bệnh sởi trong lúc mang thai...). Do đó, việc nhận biết sớm biểu hiện bệnh lý của trẻ sẽ giúp các bác sĩ, nhà tâm lý dễ dàng hơn trong việc điều trị.


Điều trị là một lẽ, môi trường để trẻ học tập, hòa nhập sau điều trị mới là vấn đề đáng bàn. Thực tế hiện nay tại thành phố cho thấy, phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ rất khó tìm được trường cho con theo học. Nhiều người, sau một thời gian dài đeo đuổi việc điều trị cho con khỏi bệnh đã không khỏi tủi thân vì không thể tìm được nơi (trường học) cho con mình hòa nhập.


Một phụ huynh có con đang điều trị bệnh tự kỷ tại Trung tâm giáo dục và trị liệu trẻ tự kỷ ATC (huyện Bình Chánh) cho biết: "Việc tìm được trường chịu nhận dạy trẻ tự kỷ cho con tôi thật sự là khó khăn. Trước khi vào điều trị và học tại đây, tôi đã phải bốn lần chuyển trường cho con. Vì ở trường nào, con tôi đi học được vài bữa là y như rằng tôi nhận được cuộc điện thoại đề nghị nên chuyển cháu đi nơi khác vì "cháu không thể hòa nhập".


Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ tự kỷ đi học ở trường mầm non là khá thấp. Bên cạnh đó, giáo viên hiện nay đang dạy hòa nhập ở trường mầm non còn hạn chế trong sự hiểu biết về hội chứng tự kỷ, không qua đào tạo chuyên biệt cho nên việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn. Trưởng phòng Giáo dục mầm non thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Nguyễn Thị Kim Dung thẳng thắn nhìn nhận: Việc quá tải chỗ học cho trẻ tự kỷ là thực trạng khi hiện nay đội ngũ giáo viên, trường lớp chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Công tác giáo dục và hòa nhập của giáo viên tại các trường mầm non và tiểu học ít nhiều chưa đáp ứng được yêu cầu vì thiếu chuyên môn.


Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ tự kỷ ATC Trần Văn Dương cho rằng: Việc xây dựng môi trường hòa nhập sau điều trị cho trẻ tự kỷ đóng một vai trò rất quan trọng trong cả quá trình điều trị. Mặc dù Bộ GDĐT đã có quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật, nhưng thực tế hiện nay, nhiều trường mẫu giáo và tiểu học vẫn từ chối không nhận trẻ tự kỷ, thậm chí "chối bỏ" cả những em bị tự kỷ nhẹ, khiến cho các trẻ tự kỷ mất cơ hội được hòa nhập.


Do đó, việc xây dựng những trường, trung tâm thực hiện chức năng "chuyển tiếp" sau điều trị, giúp trẻ hòa nhập là công việc hết sức cấp thiết. Bởi vì, nếu sau điều trị hiệu quả, trẻ lại thiếu môi trường học tập, hòa nhập thì cả quá trình điều trị trước đó cũng không còn tác dụng...


Theo ND