Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Quảng cáo len lỏi vào từng bữa ăn, giấc ngủ trẻ thơ


Đánh thẳng vào lứa khách hàng nhí tiềm năng, sau này sẽ là những người tiêu dùng "thông minh", nhiều hãng sản xuất đồ gia dụng, sản phẩm sử dụng hàng ngày đã không ngần ngại "o bế" các trường mầm non, các nhà quản lý giáo dục để có thể len lỏi sự hiện diện của mình trong tâm trí lũ trẻ từng giờ, từng phút.


Quảng cáo sản phẩm trên tranh tường tại các trường học hiện khá phổ biến.


Nhiều bậc cha mẹ đã không khỏi ngạc nhiên khi những cái miệng tròn xoe của lũ trẻ 3, 4 tuổi đi nhà trẻ về là ngêu ngao hát:
"Đánh răng Colgate
Rửa mặt Biore
Ăn bánh Chocopie
Uống sữa Vinamilk
Đi dép Biti's đến trường...
Vào lớp...
Khoanh tay chào các cô ạ!"

Thấy con mới vào học về nhà bi bô đọc, hát, nhiều bố mẹ còn thấy mừng và dạy con cho thuộc bài hát này để cho vui cửa vui nhà. Chị Hà ở Cầu Giấy cho biết: "khoảng 4-5 năm trước con gái chị đi học mẫu giáo đã có bài hát này, các bé học thuộc làu làu thậm chí cứ sáng ra là đòi kem đánh răng Colgate...". Đến hiện tại khi cháu chị nhập học ở trường mầm non khác thì cũng được dạy bài hát gắn với những thương hiệu sản phẩm tương tự nhưng thay bánh Chocopie bằng Oreon".

Nhiều phụ huynh đã thắc mắc tại sao trong vô số bài hát dành cho trẻ nhỏ nhiều trường mầm non lại dạy cho trẻ một bài hát toàn những thương hiệu sản phẩm từ kem đánh răng, sữa rửa mặt, bánh, sữa như vậy? Hỏi các cô giáo, các cô cũng chỉ biết lắc đầu kêu đây là bài hát "gia truyền" từ lớp trước sang lớp sau, cứ thế mà ê a hát. Có thể nói, rất dễ nhận thấy, đây chính là cách thức quảng cáo sản phẩm của nhà sản xuất len lỏi, bao vây cuộc sống của từng đứa trẻ. Khi đến trường thì hát quen mồm, về nhà TV lại đầy rẫy quảng cáo hấp dẫn khiến nhiều bé cứ nhất định đòi sử dụng hoặc ăn thực phẩm chúng đã thuộc tên, trong khi các bậc phụ huynh cũng chẳng khắt khe gì mà không chiều lòng cho con trẻ.

Trước đó, trong năm 2011, 2012 khá nhiều phiếu bé ngoan phát tại các trường học cũng được in logo của nhiều sản phẩm như sữa bột, sữa ong chúa, cốm dinh dưỡng, mỳ tôm... khiến nhiều trẻ nhất định đòi bố mẹ mua sản phẩm trên phiếu bé ngoan về dùng vì muốn hàng tuần được... phát phiếu.


Trong khi đó, chỉ cần nhìn hình vẽ tại các cổng trường hoặc tường bao của nhiều trường mẫu giáo cũng đủ thấy nhãn hiệu sữa, váng sữa, đồ chơi... cũng đã có sự "o bế" với các nhà quản lý giáo dục để có thể hiện diện trong mắt lũ trẻ thường xuyên. Cũng không thể phủ nhận hết tác động của những quảng cáo này vì có bé lười đánh răng, sau khi được hát bài "gia truyền", cộng thêm các cô chú bác sĩ trong đội tuyên truyền "răng xinh" về trường phát bàn chải đánh răng, nhiều bé đã tự nguyện đánh răng rất ngoan ngoãn.


Ngoài ra, các nhãn hàng cũng rất chịu khó tổ chức các chiến dịch dành cho trường học như việc tặng ca, cốc, bình đựng nước, cân sức khỏe, thước, bảng viết... có gắn tên logo cho mục đích quảng cáo. Được tặng đồ miễn phí, nên không ít trường học cũng đã thoải mái nhận những món đồ mang tính chất quảng cáo này.

Có một dạo, chiều nào chị Hoa cũng thấy cậu con trai học lớp 4 cầm một hộp sữa của một nhãn hàng Việt Nam về nhà uống, hỏi ra mới biết trường của con mới được phát sữa vào buổi chiều, nên chị Hoa cũng yên tâm không lo bé vay tiền ai mua sữa. Được một vài tháng, bẵng đi không thấy cu cậu mang sữa về, sau đó còn đòi mẹ mua đúng nhãn sữa đó vì thấy... ngon, lại mới quảng cáo có đồ chơi, chị Hoa mới biết đó là sữa tài trợ. Tuy nhiên, khi mua sữa về cho con thì thực chất, cậu bé không uống sữa mà chỉ muốn món đồ chơi đính kèm do nghe theo quảng cáo trên TV. Cu cậu còn bật mí với mẹ: từ ngày được phát sữa, con mới hay nhớ đến tên sữa và để ý trên TV hoặc trong những lần đi siêu thị với mẹ, thế nên con mới biết được tặng đồ chơi.


Bên cạnh chiêu thức tặng sản phẩm miễn phí, các nhãn hàng còn tình nguyện tham gia tài trợ nhiều chương trình văn nghệ, kỷ niệm của trường kèm theo đó là những màn quảng cáo, PR cho sản phẩm. Đơn cử như thời gian trước, tại một số trường cấp 3 tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh khác, một số học sinh đã bày tỏ thái độ vừa bực bội vừa ngượng ngùng khi nhà trường tổ chức những chương trình giới thiệu... băng vệ sinh và kèm theo phát miễn phí cho học sinh nữ. Trong khi đó, những thương hiệu sữa rửa mặt, lăn khử mùi, dầu gội, nước giải khát... cũng thường xuyên tìm đến các trường để xin phát đồ miễn phí hay mở quầy tặng sản phẩm, chơi trò chơi... như một hoạt động ngoại khóa trong khuôn viên trường và đương nhiên rất nhiều trường học cũng đã không từ chối.

Dù chưa thấy ai đề cập nhưng không phải "vô tình" mà nhiều trường lại đồng ý cho các nhãn hàng phát đồ miễn phí, vẽ tranh, in logo trên phiếu bé ngoan một cách vô tư như vậy. Ngoài một vài lợi ích nho nhỏ đã nêu trên, sự hiện diện, in sâu vào đầu óc ngây thơ của lũ trẻ bằng việc quảng cáo trong trường là việc khôn ngoan của các nhà sản xuất và quảng cáo, nhưng với môi trường giáo dục, để các nhãn hàng len lỏi vào trường quảng cáo cũng có những tác động không nhỏ đến nhận thức của lũ trẻ. Nếu muốn tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới, các hoạt động quảng cáo cần lành mạnh hơn, đừng để lũ trẻ phải nhăn mặt khó chịu vì sự chen chân quảng cáo giữa buổi văn nghệ của trường. Đến lúc đó, sự yêu thích, ấn tượng chưa thấy đâu mà mối ác cảm đã dễ đeo đẳng.


Theo songmoi.vn