Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trò chuyện với trẻ


Nên giao tiếp sớm với trẻ: Nếu trong giai đoạn trẻ từ 0 - 3 tuổi, cha mẹ không giao tiếp, gắn bó với con, cụ thể là qua việc cho bú sữa mẹ hay chăm sóc, trò chuyện thường xuyên, không tạo được mối tương giao với con thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng giao tiếp của trẻ. Trẻ có thể chậm nói hay kém phát triển về nhận thức. Đặc biệt giai đoạn 4 - 10 tuổi là giai đoạn trẻ hình thành và xây dựng các mối quan hệ xã hội, nếu cha mẹ ít trò chuyện hay chơi đùa với trẻ, sẽ khiến trẻ kém tự tin, hạn chế khả năng bày tỏ cảm xúc và sẽ khó khăn khi giao tiếp với bạn bè, thích nghi với môi trường xã hội. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tính cách của trẻ. Nếu trẻ có tính cách trầm tĩnh, hướng nội thì việc thiếu quan hệ, giao tiếp với bố mẹ không ảnh hưởng nhiều đến các hành vi và phản ứng của trẻ. Trong trường hợp này, nếu cha mẹ ít chia sẻ với trẻ có thể tạo thêm cho trẻ thái độ tiêu cực như ích kỷ và lãnh đạm. Ngược lại, với các trẻ hiếu động và hướng ngoại, trẻ sẽ có thái độ xa cách hay tìm cách chống đối những biện pháp chăm sóc, giáo dục của bố mẹ ảnh hưởng không tốt đến khả năng giao tiếp của trẻ trong các mối quan hệ xã hội sau này.


Chơi đùa cùng con: Với những em dưới sáu tuổi thì việc cùng chơi đùa với con, khích lệ và cùng con tham gia một số hoạt động giải trí tại gia đình như đi chơi, đi ăn uống và tổ chức các hoạt động gia đình sẽ giúp bé thoải mái và tự tin hơn trong việc giao tiếp. Tùy theo tính cách trẻ hướng nội hay hướng ngoại mà ta có thể tổ chức các hoạt động vui chơi phù hợp. Trẻ hướng nội thường thích các hoạt động cá nhân và tương tác tay đôi. Trẻ hướng ngoại thường thích các hoạt động cùng với anh chị em, bố mẹ và các hoạt động chung với các bạn.


Với những trẻ từ 6 - 10 tuổi, ngoài việc cùng con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hay các sinh hoạt tại gia đình, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động bồi dưỡng nghệ thuật mà trẻ ham thích như vẽ, hát múa và tập cho trẻ có sự chọn lựa, quyết định trong việc giải trí, ăn uống hoặc trang phục.


Khuyến khích trẻ phát biểu: Để giúp trẻ cảm thấy gần gũi, dễ dàng tâm sự với cha mẹ, các bậc phụ huynh nên có cái nhìn giống với cái nhìn của trẻ, hạn chế sử dụng các ngôn ngữ phê phán, chê trách tiêu cực. Chúng ta không chiều chuộng, cũng không áp đặt các yêu cầu lên trẻ, nên khuyến khích trẻ nói ra các mong muốn, hay suy nghĩ và biết đặt cho trẻ các giới hạn một cách cụ thể. Hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn khi trao đổi với trẻ.


Khi đặt yêu cầu hay các câu hỏi với trẻ, bố mẹ không nên dùng các câu hỏi hay yêu cầu mà trẻ chỉ có thể trả lời là có hay không. Nên đặt các câu hỏi gợi mở, để trẻ nói ra các ý kiến hay suy nghĩ của mình. Ngược lại, khi trả lời các câu hỏi của trẻ, chúng ta nên trả lời ngắn gọn với những thông tin phù hợp với độ tuổi, không trả lời qua loa, cộc lốc hay phớt lờ các thắc mắc. Nếu câu hỏi khó hoặc trẻ hỏi quá nhiều thì chúng ta có thể trả lời bằng việc hỏi ngược lại. Có thể trẻ đặt ra các câu hỏi chỉ với mục đích là có cơ hội giao tiếp hay nhận được sự quan tâm của bố mẹ hơn là nhu cầu học hỏi. Khi bố mẹ trả lời các câu hỏi, trẻ sẽ có cảm giác được lắng nghe và tôn trọng để có thể cởi mở hơn.


Theo PN