Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tín hiệu vui!


Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non vừa được HĐND TPHCM thông qua vào giữa tháng 6 đã bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 24-6-2014. Một trong những điểm mới của nghị quyết là công nhận chức danh nhân viên nuôi dưỡng (còn gọi là bảo mẫu) tại các trường mầm non và mẫu giáo trên địa bàn TP, định biên 1 nhân viên nuôi dưỡng/lớp với các nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường, bảo quản đồ dùng, đồ chơi cho các cháu.


Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TPHCM đối với lực lượng lao động "thừa khó khăn, thiếu đãi ngộ" này.


Cô N.T.T., nhân viên bảo mẫu một trường mầm non công lập ở quận 6 bày tỏ: "Mặc dù biết sau khi được công nhận chức danh, thu nhập của chúng tôi sẽ tăng không đáng kể nhưng chỉ cần công việc của mình được cả xã hội thừa nhận cũng đủ thấy vui rồi". Cũng theo cô T., trước đây nhiều phụ huynh thường lầm tưởng công việc của một bảo mẫu chỉ là chạy việc vặt bên ngoài, không ảnh hưởng gì đến chất lượng chăm sóc con em họ trong lớp. "Cùng bỏ thời gian, tấm lòng và công sức chăm trẻ như nhau nhưng cứ mỗi năm đến ngày 20-11 là chị em chúng tôi lại chảy nước mắt. Nếu như giáo viên nhận được rất nhiều hoa, quà, vô số lời tri ân, chúc tụng thì chúng tôi không được ai ngó ngàng đến, nhiều khi còn bị đánh đồng với nhân viên tạp vụ, lao công trong trường. Tủi lắm!", cô T. cho biết. Mỗi khi các cô ốm đau, bệnh tật cũng không có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào, giáo viên nghỉ 3 tháng hè vẫn được hưởng lương, trong khi bảo mẫu gần như "chết đói" trong dịp hè. Nhiều người phải làm thêm các công việc thời vụ khác như phụ bếp, dọn bàn cho các quán ăn, hợp đồng trông trẻ cho các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình... để có tiền trang trải cuộc sống. Bước vào năm học, nhiều cô không được trường học tái ký hợp đồng do số lượng học sinh biến động phải chuyển qua các công việc lao động phổ thông khác. Do đó, nghị quyết ra đời đã phần nào xóa bỏ tâm lý "bên trọng, bên khinh" của xã hội đối với lực lượng này, giúp họ có thêm động lực và yên tâm công tác.


Tuy nhiên, do thời điểm ban hành nghị quyết đúng vào dịp học sinh đang nghỉ hè nên dù đã có hiệu lực thi hành nhưng đội ngũ này chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận trung tâm bày tỏ: "Do đang là thời điểm chuyển giao giữa hai năm học nên hè này các cô vẫn phải tự thân vận động để trang trải cuộc sống. Nhưng từ năm học sau, ngay khi có văn bản hướng dẫn của UBND TPHCM, chúng tôi sẽ thực hiện chế độ hỗ trợ đối với lực lượng này". Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại: lực lượng bảo mẫu ở các trường công lập còn có cơ sở để hy vọng, nhưng với trường dân lập và các nhóm lớp tư thục rất khó thực hiện. Chuyên viên phụ trách mầm non một quận vùng ven cho biết đã từng có đề xuất thành lập tổ nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi cho giáo viên mầm non ở các cơ sở ngoài công lập, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do đội ngũ này thường xuyên biến động, chế độ lương, thưởng thiếu ổn định trong suốt cả năm nên hầu hết cơ sở đều hoạt động theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng".


Vẫn biết phía trước còn rất nhiều chông gai, trở ngại nhưng những ai đã trót dấn thân vào nghiệp bảo mẫu vẫn có quyền hy vọng sẽ sớm đến một ngày công việc của họ được xã hội thừa nhận với đồng lương xứng đáng. Mong lắm thay!


Theo SGGP