Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em


Nôn ói là một loại rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Để giảm bớt triệu chứng này, nên cho bé nằm tư thế đầu cao, chia nhỏ bữa ăn. Nếu trẻ vẫn bú khỏe, lên cân tốt thì không cần điều trị. Trẻ sơ sinh hay nhũ nhi thường hay bị trào ngược dạ dày thực quản do “dạ dày nằm ngang”. Thực quản trẻ ngắn, phần dưới hơi nở rộng, lớp cơ chưa phát triển hoàn chỉnh và còn yếu, cơ tâm vị co thắt bất thường nên bé rất dễ nôn trớ. Nếu trẻ nôn ít (vài ba ngày mới trớ 1 lần hay 1 ngày trớ 1-2 lần), vẫn bú khỏe, lên cân tốt thì không sao và hiện tượng trào ngược này sẽ giảm dần khi trẻ lớn. Dù có điều trị hay không thì đến năm 2 tuổi, khoảng 60% trẻ sẽ tự hết, 40% còn lại có thể kéo dài đến 4 tuổi. Các biện pháp giúp trẻ bớt nôn là cho nằm tư thế đầu cao (30-45 độ), chia bữa ăn ra làm nhiều lần, mỗi lần một ít, làm đặc sữa bằng các loại bột hay sữa đặc biệt chống nôn trớ. Nếu trẻ nôn ói quá nhiều, không tăng cân hay có các triệu chứng của viêm phổi hít (như khò khè, ho kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại) thì cần can thiệp bằng thuốc. Một loại rối loạn tiêu hóa thường gặp khác là tiêu chảy - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ. Lứa tuổi thường bị tiêu chảy là 6-24 tháng, chủ yếu do cách chế biến thực phẩm và vệ sinh ăn uống không tốt. Mặt khác, ở lứa tuổi này, bé cũng hay tò mò khám phá sự vật bằng tay, bằng miệng, vi khuẩn dễ xâm nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là rối loạn nước - điện giải. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong điều trị là bù đủ nước và điện giải, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để rút ngắn thời gian tiêu chảy và phòng suy dinh dưỡng sau đợt bệnh; chứ không phải là “cầm tiêu chảy” như các bà mẹ vẫn thường hay yêu cầu. Tiêu chảy dễ dẫn đến suy dinh dưỡng do tình trạng chán ăn, bỏ ăn khi trẻ bệnh, do mất các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc do trẻ bị kiêng ăn quá mức để “ruột nghỉ ngơi”. Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị nhiễm trùng đường ruột vì sức đề kháng kém, tạo nên một vòng luẩn quẩn giữa suy dinh dưỡng và tiêu chảy. Mặc dù trong thời gian tiêu chảy cấp, sự hấp thu thức ăn giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn đạt khoảng 60%. Vì vậy, trẻ vẫn cần được cung cấp đủ khẩu phần để phòng sụt cân sau khi hết bệnh. Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy là: gạo, khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua, sữa không có lactose, dầu thực vật, cà rốt, chuối, táo. Các thực phẩm không nên dùng là nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường, các loại thức ăn có nhiều đường (bánh, kẹo...), thực phẩm có nhiều chất xơ (tinh bột nguyên hạt, rau thô), thức ăn chế biến sẵn như chả, xúc xích, thịt hun khói, pa-tê... Khi chế biến thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy, cần nấu kỹ, mềm, loãng hơn bình thường. Cho trẻ ăn thêm trái cây, nước trái cây như chuối, cam, xoài... Khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt (trên 6 lần/ngày). Sau khi trẻ khỏi tiêu chảy, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền. Nếu bị mất nước, trẻ cần được theo dõi tại cơ sở y tế. Nếu sau 3 ngày bù nước, trẻ vẫn tiêu chảy thì phải đi khám bác sĩ; Khi trẻ bị sốt cao, khát nước nhiều, ăn kém, trong phân có máu, cần bồi hoàn nước bằng những loại dung dịch như nước đun sôi để nguội, ORS, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cà rốt muối. Cách pha dung dịch ORS: 1 gói pha với 1 lít nước đun sôi để nguội và chỉ dùng trong vòng 24 giờ. Nếu không có ORS: 1 lít nước sạch + 3 g muối + 18 g đường; hoặc 1 lít nước sạch + 3 g muối + 80 g bột). Trẻ dưới 2 tuổi uống mỗi ngày 500 ml, chia 5-10 lần. Trẻ 2-10 tuổi uống mỗi ngày 1.000 ml, chia 5-10 lần. Trẻ trên 10 tuổi uống mỗi ngày 2.000 ml, số lần tùy thích. Cách nấu cháo muối: 1 nắm gạo (50 g) + 1 nhúm muối (3,5 g) + 6 chén nước sạch đun nhừ, lọc lại cho trẻ uống dần. Cách nấu nước gạo rang: gạo rang vàng 50 g + 3,5 g muối + 6 chén nước sạch đun nhừ, lọc lại cho trẻ uống dần. Táo bón cũng là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Trẻ bị xem là táo bón khi 3-4 ngày mới đi cầu 1 lần, phân cứng. Có những bé bú mẹ 3-4 ngày mới đi cầu 1 lần nhưng phân sệt, mềm, đó là bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, ở lứa tuổi nhà trẻ thì chủ yếu là do uống ít nước, ăn quá ít chất xơ (ít ăn rau củ, trái cây) và thói quen hay nhịn đi tiêu (do mê chơi, lạ chỗ hay sợ đau). Nhịn lâu làm cho phân càng trở nên khô cứng, khó đi hơn khiến bé càng sợ rặn, cứ như vậy tạo thành vòng luẩn quẩn. Hôm nào dùng thuốc thì đỡ, hôm nào ngưng thì phân lại rắn, nhưng dùng thuốc hoài thì mẹ lại ngại. Vì vậy, nên tập cho bé thói quen ăn rau từ nhỏ. Các loại rau có tính nhuận tràng gồm rau lang, mồng tơi, rau dền... Nhắc trẻ uống nước, có thể uống nhiều sữa hay nước trái cây nếu trẻ không thích uống nước lã. Tập cho trẻ thói quen đi tiêu đúng giờ. Khi trẻ muốn đi ngoài, phải giúp trẻ đi ngay, không được nhịn. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)