Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

7 vấn đề sức khỏe không nghiêm trọng của con nhưng mẹ cần để mắt tới


Có những rắc rối sức khỏe không hề nguy hiểm, nhưng rất cần sự quan tâm của cha mẹ nhằm giúp bé vượt qua để có một thể trạng tốt nhất.

Dưới đây là 7 vấn đề sức khỏe các mẹ nên xử lý kịp thời nếu con mắc phải.

1. Bệnh đau mắt đỏ

Chắc chắn đây là loại bệnh rất dễ lây lan và có thể bạn không muốn bé nhà mình mắc phải. Tuy đau mắt đỏ không tổn thương nhiều đến sức khỏe nhưng nó cũng khiến con khó chịu với đôi mắt đỏ au, thỉnh thoảng lại xuất hiện gỉ mắt. Nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh đau mắt đỏ sẽ mau chóng bị đẩy lùi và bé yêu nhà bạn lại có thể trở về với sinh hoạt bình thường. Bạn hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn thuốc kháng sinh nhỏ mắt, cùng với đó là áp dụng chế độ vệ sinh tay chân thật tốt nhằm ngăn chặn bệnh lây sang những thành viên khác trong gia đình.

2. Mụn cơm

Mụn cơm tuy do virus gây ra nhưng vô hại và sẽ tự biến mất. Chúng thường xuất hiện trên tay và chân và do thích môi trường ấm áp, ẩm ướt vì vậy bạn có thể nhìn thấy chúng ở những nơi khác. Mụn cơm dễ bị lây từ khăn tắm, sàn phòng thay đồ và các đồ vật tương tự khác. Do vậy, nên cung cấp đồ cá nhân riêng cho con, tránh dùng chung khăn lau mặt và khăn tắm, đó là cách đơn giản để ngăn chặn mụn cơm. Nếu mụn cơm của con không tự động biến mất, hãy nói chuyện với bác sĩ để có lựa chọn điều trị tích cực hơn.

3. Chấy

Không có gì khiến bạn phải run rẩy hơn suy nghĩ có chấy đang bò trên tóc của con mình phải không? Chấy không thường xuyên xuất hiện, nhưng một khi đã "ló mặt" thì rất... "trắng trợn". Chấy không quá nguy hại cho con bạn nhưng rắc rối ở đây là những con chấy con. Vì vậy, bạn hãy áp dụng phương pháp điều trị đã được phê duyệt để loại bỏ hẳn những vật ký sinh phá hoại nhỏ bé này cho các thành viên gia đình mình nhé.

4. Giun sán

Giun sán là những kẻ xâm nhập đường ruột khó chịu. Thậm chí, bạn còn có thể nhìn thấy giun cái đi ra khỏi hậu môn của bé để đẻ trứng. Vì những quả trứng được đẻ ra như vậy có thể lây lan, thế nên tốt hơn hết bạn phải giải quyết nhanh chóng tình trạng nhiễm giun này. Trước tiên bạn nên giặt tất cả đồ vải lanh và bộ đồ giường cho con, sau đó cho bé nhà bạn dùng thuốc tẩy giun để tiêu diệt những con vật ký sinh trong bụng.

5. Nấm da

Nấm da là một dạng nhiễm trùng nấm trên da. Nó lây lan phổ biến nhất trong phòng thay quần áo và thảm tập thể dục ở trường, vì vậy trẻ đi mẫu giáo và những trẻ hay đi hồ bơi công cộng có nguy cơ lây nhiễm cao bệnh này. May mắn thay, nấm da không để lại bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào vì nó tương đối dễ dàng điều trị. Bạn chỉ cần kem chống nấm, giặt ủi quần áo thường xuyên, cũng như giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con sẽ là có thể giải quyết rắc rối này.

6. Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng trên da do loài ký sinh trùng cái ghẻ gây ra. Chúng thường đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Bệnh ghẻ thường bùng phát thành dịch ở khu vực trường học. Do đó, nếu bé nhà bạn chẳng may lây nhiễm từ bạn, hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa để được cung cấp một kem dưỡng da đặc biệt nhằm giúp bé nhà bạn thoát khỏi căn bệnh ghẻ không mong muốn này!

7. Bệnh chốc lở

Bệnh chốc lở là bệnh nhiễm trùng da thường xảy ra ở trẻ em nhất là vào mùa hè, thường do vi trùng xâm nhập vào vết xây xát, rộp da. Các vết rộp này khi khô đóng một lớp vảy khô màu vàng hoặc xám. Xung quanh chỗ nổi rộp thường ửng đỏ. Chỗ da nổi đỏ này sẽ lan ra nếu không điều trị. Trẻ bị nhiễm bệnh không nên dùng chung khăn tắm, quần áo, khăn mặt hoặc các vật dụng vệ sinh như lược và bàn chải với bất cứ người nào khác. Tuy vậy, trẻ bị bệnh chốc lở có thể điều trị dễ dàng bằng kem kháng sinh hoặc cùng với thuốc kháng sinh nhanh.

Theo Trí thức trẻ