Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Suy gan cấp ở trẻ, cha mẹ không thể coi thường!


Không có biểu hiện bệnh lý gan mạn tính nhưng chỉ trong vòng 8 tuần từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên, suy gan cấp sẽ gây hoại tử gan. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, trẻ dễ tử vong sớm.

Đang khỏe bỗng suy gan cấp

Trước 2 tuổi, bé Phạm Thị M., sinh năm 2008 (ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) khỏe mạnh, phát triển thể chất và tinh thần bình thường. Khi 2 tuổi, bé bị vàng da, vàng mắt, 5 ngày sau xuất hiện sốt, co giật. Gia đình đưa bé đến bệnh viện. Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy gan tối cấp, hôn mê gan độ III-IV, phải lọc máu liên tục và chỉ định ghép gan.

Tương tự, bé Ngô Quang Đ., sinh 2007 (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), đang khỏe mạnh nhưng bỗng dưng kém ăn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu. Lo lắng, gia đình đưa em đi khám thì được bác sĩ kết luận bị suy gan cấp.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, suy gan là tình trạng mất chức năng cơ bản của gan. Còn suy gan cấp được xác định là tình trạng tổn thương gan nặng nề xảy ra ở bệnh nhân không có tiền sử bệnh gan và tiến triển thành hội chứng não trong vòng 8 tuần tính từ triệu chứng đầu tiên. Nguyên nhân suy gan cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do chuyển hóa và nhiễm khuẩn; trẻ lớn hơn do viêm gan virus và ngộ độc thuốc. Bệnh nhân suy gan cấp thường có biểu hiện lâm sàng trong vòng vài giờ đến hằng tuần. Trẻ sơ sinh dấu hiệu không đặc hiệu, toàn trạng kém, không lên cân, nôn. Trẻ lớn hơn thường mệt xỉu, buồn nôn, kém ăn.


85% bệnh nhân tử vong nếu không ghép gan

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tử vong của suy gan cấp ở trẻ em rất cao, chiếm 80%-85% nếu không có biện pháp ghép gan cấp cứu. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do tình trạng phù não, mất não. Tỷ lệ sống của bệnh nhi và khối ghép trong ghép gan cấp, đạt kết quả tốt.

Cũng theo TS Điển, tuy tỷ lệ sống sót của bệnh nhân suy gan cấp khi không ghép gan chỉ dưới 15% nhưng nếu được ghép gan, tỷ lệ bệnh nhi được cứu sống có thể tới 60%-80%. Chỉ định ghép gan phụ thuộc vào thể trạng của người bệnh, khả năng phục hồi tri giác, tiên lượng các biến chứng giai đoạn sau ghép, từ đó phân tích các vấn đề có lợi và không trước khi quyết định ghép gan. Ở trẻ mắc suy gan tối cấp, các vấn đề tiên lượng khá khó khăn, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bệnh viện Nhi TƯ đã tiến hành ghép gan cho 3 trường hợp suy gan cấp từ nguồn cho là mẹ, trong đó có 2 trường hợp thành công là bé Phạm Thị M. và Ngô Quang Đ. Hiện bé Đ. được 44 tháng sau ghép và bé M. là 15 tháng sau ghép đều có sức khỏe ổn định, phát triển thể chất, tinh thần bình thường và hòa nhập cộng đồng.

Theo Afamily