Thời điểm hiện tại, đã có 2/3 trên tổng số 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2014 - 2015. Nhìn chung, tuyển sinh năm nay không có nhiều biến động so với mọi năm. Trong đó, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 vẫn được xem "nóng" nhất. Song, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao trong hầu hết thông báo tuyển sinh, các địa phương đều nhấn mạnh quy định "Hiệu trưởng các trường không được nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, không nhận học sinh tạm trú mà có hộ khẩu thường trú tại phường, khu phố khác đã được phân tuyến theo địa bàn". Điều tưởng chừng khá hiển nhiên đó lại được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần qua các bảng thông báo, càng nhắc vấn đề "chạy" trường, chạy hộ khẩu chẳng những không giảm mà còn gia tăng.
Trong vai phụ huynh muốn tìm suất học cho con tại trường tiểu học X., chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời hướng dẫn, thậm chí công khai cho số điện thoại của "cò" trên các diễn đàn, mạng xã hội. Từ phương thức "chạy" quan hệ với hiệu trưởng, giáo viên ở chính ngôi trường đó để mua suất học dành cho cán bộ, công nhân viên trong trường, đến việc "đi" giấy tay kèm chữ ký của chủ tịch UBND phường, xã hoặc trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện. Chưa biết thực hư và độ dài, ngắn của những "đường đi" đó thế nào, tuy nhiên theo nhận xét của nhiều thành viên trên diễn đàn webtretho, nếu đã có đường đi ắt sẽ có nhiều trường hợp tìm được "đích đến". Nói như vậy để thấy mỗi năm đến hẹn lại lên, phụ huynh có con chuẩn bị bước vào các lớp đầu cấp lại đau đầu trước ma trận thông tin "tìm trường tốt cho con". Về cơ bản, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 thực hiện theo nguyên tắc học sinh cư trú tại phường nào sẽ vào học các trường đóng trên địa bàn phường đó. Chỉ trong một số tình huống đặc biệt như phường đó chưa có trường hoặc có trường nhưng quy mô không đủ đáp ứng chỗ học cho trẻ, phụ huynh có quyền nộp đơn xin học trái tuyến. Lợi dụng điểm yếu này của ngành giáo dục, tình trạng "chạy" trường càng thêm có đất dụng võ. Từ đó làm nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười như trên cùng một địa bàn phường, trường này quá tải sĩ số trong khi trường kia lại tuyển không đủ học sinh. Đó là chưa kể hàng loạt chương trình tiếng Anh tăng cường, song ngữ tiếng Pháp, tiếng Hoa đang triển khai khiến "đẳng cấp" các trường có phần chênh lệch.
Ngoài ra, tuyển sinh năm nay còn gánh thêm áp lực khác là việc xét tuyển học sinh các lớp nhà trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi ở các trường mầm non của 8 quận, huyện đang thực hiện thí điểm đề án cải cách mầm non của UBND TPHCM. Nhu cầu gởi con của người dân rất lớn, đặc biệt ở các KCX-KCN, trong khi các trường lại thận trọng tiếp nhận trẻ với số lượng rất hạn chế. Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận 11 bày tỏ, đối với chỉ tiêu tuyển sinh năm nay ở bậc mầm non, địa phương chỉ đặt ra mục tiêu đảm bảo tỷ lệ 25% học sinh học nhà trẻ, 85% học sinh 3 tuổi vào lớp mầm và 95% học sinh 4 tuổi vào lớp chồi, phấn đấu huy động 100% trẻ 5 tuổi vào học lớp lá. Qua đó cho thấy, ngay cả các lớp ở độ tuổi mẫu giáo, địa phương cũng không dám tham vọng 100% trẻ được đến trường, huống chi với độ tuổi nhà trẻ đã được nhiều đại biểu HĐND TP cảnh báo là "trường công không thể kham nổi".
Qua đó cho thấy, nguyên nhân của việc "chạy" trường, tuyển sinh không đúng tuyến xuất phát từ chính những lỗ hổng của ngành giáo dục như chưa phủ được mạng lưới trường công ở 322 phường, xã trên địa bàn TP, chất lượng cơ sở vật chất, giáo viên chưa thật sự đồng đều nên không có niềm tin từ xã hội, vội vàng "ôm đồm" nhiều đối tượng, nhiều chương trình trong khi công tác chuẩn bị về tài lực, vật lực chưa thật sự rõ ràng khiến bài toán tuyển sinh năm nào cũng rối như canh hẹ. Nếu không sớm khắc phục những điểm yếu đó thì dù có cấm, tuyển sinh trái tuyến vẫn tồn tại.
Theo SGGP