Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thực trạng đau lòng nhìn từ con số 75% trẻ em Việt bị bạo hành


Lạm dụng thân thể là hình thức phạt đánh bằng công cụ (roi, gậy...) khi trẻ mắc lỗi hoặc khi người trừng phạt muốn trẻ học tập tiến bộ hơn trở nên phổ biến. Không chỉ bạo lực về roi vọt, nhiều bố mẹ còn lạm dụng ngôn từ chửi mắng con một cách thô bạo...


Ảnh minh họa từ internet


Theo giới chuyên nghiên cứu về quyền trẻ em thì: Bạo hành trẻ em là hành vi do người khác, có thể là gia đình, người thân người chăm sóc trẻ gây ra làm tổn hại đến cả sức khỏe và tinh thần của trẻ, bao gồm nhiều hành động như hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi...


Gần 75% trẻ em Việt Nam bị bạo hành
"Căn cứ vào Công ước quyền trẻ em, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em Việt Nam ta có thể hiểu rằng, bạo lực trẻ em là hành vi do một hoặc một số người có thể là gia đình, người thân người chăm sóc trẻ... gây ra làm tổn hại đến cả sức khỏe và tinh thần của trẻ.


Nếu chiếu theo khái niệm này thì có lẽ phải có tới 99% số trẻ em ở Việt Nam đã từng bị bạo hành chứ không phải con số như UNICEF công bố (gần 75%) trước đó", ông Lê Thế Nhân - Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Huế) nói.


Chiếu theo công ước về Quyền trẻ em, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em Việt Nam nhiều nghiên cứu, thống kê liên quan bạo lực trẻ em đã được đưa ra. Mới đây , tháng 4.2014 tổng cụ thống kê dưới sự trợ giúp của tổ chức Unicef đã công bố số liệu khiến dư luận phải giật mình, gần 75% số trẻ em từ 2- 14 tuổi ở Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành.


Phóng viên Dân Việt từng tham khảo ý kiến của nhiều ông bố tại Hà Nội, đa phần trong số họ đều ủng hộ với cách dạy con bằng roi vọt. Anh Nguyễn Huy Tùng (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: dạy con bằng roi vọt không hoàn toàn là bạo lực với trẻ.


"Đánh con để nhằm mục đích dạy bảo cho con tiến bộ là vì mục tiêu tốt nhất của trẻ. Không thể nói đây là bạo lực được" - anh Tùng phân bua.


Công bố của UNICEF trong thời gian qua cũng cho thấy gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi ở Việt Nam cũng cho biết, chồng của họ đã từng có hành vi bạo lực đối với con cái.

11% trong số các vụ bạo lực đó là dưới dạng đấm, đá, đánh; 15,7% dưới dạng tát, đẩy ngã hoặc ném đồ vật vào người và 56,6% dưới dạng chửi mắng hoặc đe dọa. Cứ 10 trẻ khi được hỏi thì có 9 trẻ nói rằng, các em đã từng chứng kiến bạo lực trong gia đình mình.


Do lạm dụng quyền làm cha mẹ
Nghiên cứu về bạo hành trẻ em nằm trong Dự án đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (18001567) cho thấy bạo hành trẻ em tồn tại ở những dạng hình thức khác nhau.


Lạm dụng thân thể là hình thức phạt đánh bằng công cụ (roi, gậy...) khi trẻ mắc lỗi hoặc khi người trừng phạt muốn trẻ học tập tiến bộ hơn trở nên phổ biến. Không chỉ bạo lực về roi vọt, nhiều bố mẹ còn lạm dụng ngôn từ chửi mắng con một cách thô bạo.


Theo các chuyên gia tâm lý của Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Huế) thì hành vi bạo hành trẻ em có tính chất lặp lại. Đa số bố mẹ hay dùng bạo lực với con cái cho biết họ đã từng bị bố mẹ dùng roi vọt để dạy bảo. Thậm chí có người dù làm cha mẹ, nhưng vẫn không thể quên những trận đáp đập của ba mẹ họ trước đây.


Thạc sĩ Tâm lý học Lưu Lịch cho biết: "Vấn đề ở đây là Quyền trẻ em và quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ.


Ngoài ra, cha mẹ không nhận biết được những thay đổi trong tâm sinh lý của con cũng thiếu phương pháp giáo dục, chưa tìm được phương pháp thay thế cách giáo dục bằng roi vọt, nên khi bất lực chỉ nghĩ đến cách lấy roi ra quất".


Bạn - với tư cách là những phụ huynh, hiểu thế nào là bạo hành trẻ em và quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Câu chuyện của gia đình bạn là gì? Hãy thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn của bạn về vấn đề này. Dân Việt rất mong nhận được những ý kiến tâm huyết, những đóng góp hữu ích để nạn bạo hành trẻ em được đẩy lùi.


Theo danviet.vn