Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tật cắn ở trẻ nhỏ - nguyên nhân và cách chữa trị


Tật cắn khá phổ biến ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến căn bệnh này. Phản ứng chung của người lớn là la mắng, thậm chí vả vào miệng cháu. Tuy nhiên cách làm này chỉ khiến cho trẻ thêm lì lợm, hung hăng, biến tật cắn thành hành động trả thù mỗi khi bị tấn công. Trước khi học xem cách nào để trị dứt tật này, ta nên khảo sát qua các nguyên nhân . 1. Vì sao trẻ thích cắn? - Để khám phá: trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi học hỏi mọi vật bằng xúc giác, khứu giác, thính giác, và vị giác. Khi đưa cho trẻ đồ chơi, miệng là một trong những nơi bé cho đồ vật tiếp xúc đầu tiên. Nếm hay nhai đồ vật trước mặt là tất cả những gì bé có thể làm được ở độ tuổi này. Chúng không phân biệt được việc gặm nhấm đồ chơi với việc cắn một ai đó. - Mọc răng: trẻ bắt đầu mọc răng lúc 4 đến 7 tháng tuổi. Nứu sưng có thể gây đau khi chạm vào hoặc gây cảm giác ngứa khó chịu. Trẻ có thể cắn vào vật gì đó để làm dịu cảm giác khó chịu này. Thỉnh thoảng cái vật mà bé chọn rơi vào một con người! Trẻ ở tuổi mọc răng cũng không phân biệt được việc “nhai” một người và một món đồ chơi. - Nhân quả : lúc khoảng 12 tháng tuổi, trẻ đặc biệt thích khám phá cái gì sẽ xảy ra khi chúng đụng vào vật đó. Khi chúng đập cái muỗng xuống bàn, trẻ phát hiện ra rằng nó phát ra tiếng động. Khi chúng làm rớt đồ chơi, bé phát hiện ra chúng rơi xuống đất và lăn đi. Vì thế cũng có thể khi cắn một người nào đó, trẻ thấy rằng họ cũng phát ra âm thanh ( tiếng la do đau). - Tạo sự chú ý: trẻ lớn hơn một chút có thể cắn để thu hút sự chú ý của người lớn. Khi cảm thấy người lớn ít tiếp xúc hay quan tâm đến chúng, trẻ sẽ tìm cách để lôi kéo người khác ngồi xuống và chú ý đến chúng. Bị bỏ lơ thì chẳng vui chút nào. Cắn vào ai đó có thể là cách nhanh nhất để họ quay lại nhìn bé. - Bắt chước: trẻ nhỏ rất thích bắt chước người lớn. Nhìn và cố làm theo là một cách học hỏi rất tốt. Có thể trẻ nhìn thấy ai đó cắn hay há mồm ăn và thấy là trẻ bắt chước theo. Khi bị trẻ cắn, một số người đã cắn lại để trừng phạt trẻ, hay chỉ là cắn “yêu”. Việc này chẳng những không ngăn được tật cắn mà còn cho trẻ hiểu chúng được phép cắn lại khi có người cắn chúng. - Tạo quyền tự chủ: trẻ luôn cố rất nhiều để không phụ thuộc vào ai. “Của tôi”, “tôi làm cái đó đó” là những câu rất được ưa chuộng. Học làm một việc gì đó một cách độc lập, tự đưa ra các lựa chọn và được kiểm soát chính mình là một phần trong quá trình lớn lên. Cắn cũng có thể là một cách thể hiện sức mạnh và quyền kiểm soát đối với người khác. Nếu bé muốn một món đồ chơi và muốn bạn chơi để nó chơi một mình, cắn bạn là cách nhanh nhất để có được thứ nó muốn. - Sự thất vọng: trẻ sẽ phải trải qua nhiều thay đổi trong quá trình phát triển. Đó thực sự là một cuộc chiến. Uống bằng ly rất tuyệt, nhưng bú hay ngậm bình sữa cũng rất tuyệt vời. Đôi lúc được làm em bé vẫn thích hơn làm người lớn. Trẻ 1,2 tuổi chưa tự kiểm soát được cơ thể mình, một cái vỗ nhẹ có thể biến thành một cú đánh mạnh mà trẻ không hề ý thức được.Trẻ cũng chưa nói sõi, Chúng gặp khó khăn trong việc hỏi xin cái gì hay yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng cũng chưa được học cách chơi với bạn hay giao tiếp với mọi người thế nào. Thế là khi không biết dùng từ gì để diễn đạt cảm giác của mình, trẻ phải dùng đến cách như đá, đấm hay cắn người khác. - Stress: thế giới trẻ thơ cũng đầy ắp căng thẳng. Bị xáo trộn các sinh hoạt thường lệ hay thiếu các trò chơi thú vị hàng ngày có thể gây ra stress. Thiếu sự quan tâm của người lớn cũng gây ra tình trạng này. Trẻ còn thường bị rối loạn khi phải chịu cảnh bố mẹ ly dị, người thân qua đời hay di chuyển chỗ ở. Cắn người là một cách diễn tả và là giảm sự căng thẳng này. 2. Giáo viên làm gì để giúp cháu bỏ tật cắn? • Dùng phương pháp đặt câu hỏi ( ai, cái gì, khi nào, ở đâu, và như thế nào) để xác định vấn đề. Khi nào thì tật cắn này xuất hiện? Ai liên quan trong việc này? Nó xảy ra ở đâu? Cái gì xảy ra trước và sau đó? Sửa tật này như thế nào? • Cố gắng ngăn chặn: + Nếu tật cắn xuất hiện là do nhu cầu khám phá hay do mọc răng, cô hãy cho cháu cầm các vật mềm hay các vòng nước mềm để giúp lúc cắn không bị đau nứu. + Nếu tật cắn kèm theo triệu chứng mệt mỏi hay có vẻ đói, cô hãy kiểm tra lịch sinh hoạt hàng ngày xem cháu có được ngủ đủ và ăn uống đủ không + Nếu trẻ cắn bạn để giành đồ chơi – một cái điện thoại đồ chơi chẳng hạn, hãy mua thêm một cái mới. Không nên bắt trẻ phải chia sẻ đồ chơi với bạn nếu trẻ dưới 2 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ chưa có được khả năng dàn xếp với bạn bè . + Nếu gây chú ý là nguyên nhân chính dẫn đến tật cắn, hãy dành nhiều thời gian bên trẻ. Ôm ấp, vỗ về, cùng nhau đọc một cuốn sách hay cùng trẻ lăn tới lăn lui một trái bóng sẽ hiệu quả hơn la mắng trẻ vì đã cắn mình. + Nếu trẻ đang bị stress về chuyện gia đình hay vì trường mới, cô giáo mới…, cô nên dành nhiều thời gian bên cháu, động viên giúp đỡ để cháu trở lại bình thường. Cho trẻ ăn ngủ nhiều hơn bình thường. Cho trẻ được chơi đồ chơi thoải mái. Đôi khi việc được tự ý đá quả bóng bay tứ tung, nặn nhữnh hình thù kỳ quoái bằng đất sét hay được vẩy nước tung tóe trong bồn tắm lại giúp bé giảm stress. Trong trường hợp bé bị sốc nặng ( cha mẹ ly dị, người thân mất…) việc hồi phục cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn của cô giáo. + Dạy trẻ cách cư xử mới: khi trẻ cắn, chỉ vào vết cắn, nhìn thẳng vào mắt cháu, nói giọng nghiêm nghị cứng rắn để tỏ lộ cho trẻ biết hành động cắn không được chấp nhận. Ví dụ cô có thể nói :” Không được Na, con không được cắn bạn. Con sẽ làm bạn Bi đau. Bạn ấy đang khóc đấy…” Nếu trẻ biết nói rồi, cô có thể nói “ con sẽ nói gì với Bi để bạn hết đau nào. Nói “nín đi Bi, mình xin lỗi!””. Cô cũng có thể yêu cầu trẻ giúp mình băng vết thương và vỗ về nạn nhân để trẻ ý thức được việc mình làm, và thay đổi thói quen cắn người. Khi trẻ không chịu nghe theo, cô cần tiếp tục nghiêm khắc nhắc nhở cho đến khi trẻ nghe theo. Phải nhắc ngay khi trẻ cắn bạn, đừng để lâu. Tuy nhiên, việc nhắc nhở nghiêm khắc khác hẳn quát mắng. Cha mẹ của trẻ có tật cắn hay xấu hổ về hành vi của con. Khi thấy trẻ cắn bạn, họ thường nổi giận ,la mắng, đánh đập trẻ. Cô giáo nên chia sẻ các thông tin về nguyên nhân và phương pháp để kiểm soát hành vi này cho phụ huynh biết. Đề nghị bố mẹ cháu phối hợp chữa trị cho cháu. Vì hành vi sẽ dẫn đến thói quen, thói quen tạo nên tính cách. Hành động cắn lúc bé sẽ dẫn tới tính cách hung hãn, hay trả thù khi lớn. Hãy hiểu trẻ và cho cháu cơ hội để thành người tử tế.